Vietstock - Điều gì giúp xuất siêu liên tục lập kỷ lục?
Hoạt động thương mại của Việt Nam đạt kết quả tích cực trong 3 tháng đầu năm 2024, với xuất siêu của kỳ quý 1 đã lập mốc kỷ lục mới. Phía sau xu hướng này là gì và liệu Việt Nam đang có những lợi thế nào?
Xuất siêu ấn tượng
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam năm 2023 thặng dư 28.3 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 257.21 tỷ USD, giảm 6% tương ứng giảm 16.4 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 209.06 tỷ USD, giảm 10.3% tương ứng giảm 24.1 tỷ USD so với năm 2023. Xét theo khu vực, cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI đạt mức thặng dư 48.14 tỷ USD, ngược lại khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục thâm hụt 19.84 tỷ USD.
Tiếp nối thành quả đó, quý 1 đầu năm nay tiếp tục chứng kiến xuất siêu của Việt Nam lên mức kỷ lục 8.08 tỷ USD, gấp 1.6 lần con số xuất siêu 4.93 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn là nếu như năm 2023 xuất siêu đạt được là vì kim ngạch nhập khẩu duy trì xu hướng sụt giảm lớn hơn xuất khẩu xuyên suốt qua các tháng, ngược lại 3 tháng đầu năm nay chứng kiến cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có sự tăng trưởng, với tộc độ tăng của xuất khẩu vượt trội hơn so với nhập khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa tháng 1 tăng trưởng 42%, nhập khẩu tăng 33% so cùng kỳ năm 2023, giúp xuất siêu đạt 2.9 tỷ USD; lũy kế 2 tháng xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 18% nâng xuất siêu lên 4.7 tỷ USD; và lũy kế quý 1 xuất khẩu tăng 17% còn nhập khẩu tăng chưa đến 14%, giúp xuất siêu lên mức 8.08 tỷ USD như đã nói. Còn nếu tính riêng tháng 3, xuất khẩu tăng 14,2% so cùng kỳ tháng 3/2023, nhập khẩu chỉ tăng 9.7%. Đây là xu hướng khả quan, nếu duy trì tốt có thể nâng con số xuất siêu trong năm 2024 này lên một mốc kỷ lục mới.
Xét theo khu vực, kinh tế trong nước vẫn nhập siêu 4.49 tỷ USD trong quý 1 năm nay; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12.57 tỷ USD. Tuy nhiên, một điểm tích cực nữa là mức nhập siêu của khu vực trong nước đã giảm gần 34% so với con số nhập siêu cùng kỳ năm 2023 (6.77 tỷ USD), trong khi xuất siêu của khối FDI vẫn duy trì xu thế đi lên với mức tăng trưởng 16% so cùng kỳ (10.84 tỷ USD).
Xét theo đối tác, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia Việt Nam đạt thặng dư thương mại hàng hóa lớn nhất với 22.7 tỷ USD, tăng 27.9% so với cùng kỳ năm trước, kế tiếp là EU đạt 8.2 tỷ USD, tăng 15.8%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chưa là gì so với mức tăng nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 44.4% so với cùng kỳ, đạt 16.7 tỷ USD. Đáng lưu ý, nhập siêu từ ASEAN cũng tăng 10.9% lên 2.2 tỷ USD, cho thấy các doanh nghiệp Việt đang bị cạnh tranh quyết liệt ngay từ sân nhà bởi các đối thủ trong khu vực.
Yếu tố nào tác động?
Đúng như dự báo của giới phân tích, hoạt động thương mại của Việt Nam đã chạm đáy từ giữa năm ngoái và dần hồi phục kể từ đó đến nay. Đầu tiên, hàng tồn kho trên toàn thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2022 đã bắt đầu giảm nhanh từ nửa cuối năm 2023, dẫn đến áp lực các doanh nghiệp tại nước này phải tăng cường nhập khẩu trở lại để đáp ứng khả năng tiêu thụ cũng như củng cố lại lượng hàng tồn kho. Đây có lẽ là phần nào nguyên nhân giải thích cho tốc độ xuất siêu tăng mạnh sang các đối tác thương mại hàng đầu như Hoa Kỳ và EU.
Đặc biệt, với xu hướng tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng vẫn đang tiếp tục diễn ra, dòng vốn đầu tư quốc tế luôn tìm cách đa dạng hóa địa bàn sản xuất và thị trường tiêu thụ, tránh tập trung và phụ thuộc quá lớn vào công xưởng thế giới Trung Quốc, Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia hưởng lợi lớn trong thời gian qua. Điều này cũng giúp hoạt động thương mại của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và tận dụng được những thị trường lớn có sức cầu tiêu dùng mạnh như Hoa Kỳ hay EU.
Hàng tồn kho trên toàn thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2022 đã bắt đầu giảm nhanh từ nửa cuối năm 2023, dẫn đến áp lực các doanh nghiệp tại nước này phải tăng cường nhập khẩu trở lại để đáp ứng khả năng tiêu thụ cũng như củng cố lại lượng hàng tồn kho. Đây có lẽ là phần nào nguyên nhân giải thích cho tốc độ xuất siêu tăng mạnh sang các đối tác thương mại hàng đầu như Hoa Kỳ và EU. |
Về phần mình, Việt Nam cũng nỗ lực tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết trong những năm qua, cũng như việc nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn gần đây như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 16 FTA có hiệu lực. Đơn cử như một số mặt hàng may mặc đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA). Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sau khi giảm sút trong năm 2023, quý 1 đầu năm nay đạt gần 7.76 tỷ USD, tăng 7.9% so với cùng kỳ.
Điểm đáng lưu ý là việc xuất siêu sang Hoa Kỳ tăng mạnh nhưng nhập siêu từ Trung Quốc còn mạnh hơn trong thời gian qua có thể dẫn đến lo ngại Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc sang các thị trường khác nói riêng và Hoa Kỳ nói chung, nhằm tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, cũng như lẩn tránh các sắc thuế mà Hoa Kỳ đang áp lên doanh nghiệp Trung Quốc từ cuộc thương chiến kéo dài trong 4 năm qua.
Theo cơ cấu hàng xuất nhập khẩu quý 1 đầu năm nay, có 2 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23.9 tỷ USD, tăng 23.6% so với cùng kỳ; thứ hai là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 10.3 tỷ USD, tăng 12.1%. Tuy nhiên, đây cũng là 2 trong số 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, gồm điện tử, máy tính và linh kiện gần 15.7 tỷ USD, tăng 30.3% so cùng kỳ; điện thoại và linh kiện 14.7 tỷ USD, tăng 9.7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác gần 10.9 tỷ USD, tăng 10.2% và thứ 4 là hàng dệt may như đã nói.
Kết quả xuất siêu kỷ lục của Việt Nam một phần cũng nhờ vào các các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm nông nghiệp, lương thực, thực phẩm đang được hưởng lợi khi giá tăng mạnh vào neo cao trên thị trường quốc tế trong thời gian qua, trong bối cảnh nhu cầu gia tăng vì lo ngại nguy cơ khủng hoảng và an ninh lương thực. Cụ thể, nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD, tăng vọt 33.5% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối cùng, với tỷ giá USD/VNĐ sau khi tăng hơn 4.2% trong năm 2023 (tính trên thị trường phi chính thức), từ đầu năm đến nay đã tiếp tục đi lên, cũng có thể đã giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các đối tác thương mại chính. Cụ thể trong quý 1 đầu năm nay, giá USD tự do đã tăng thêm 2.8%, trong khi giá giao dịch tại các ngân hàng cũng tăng hơn 1.6%. Thậm chí có những thời điểm như giữa tháng 3 vừa qua, giá USD tự do tăng đến 3.5% so với đầu năm.
Phan Thụy