Vietstock - Silicon Valley Bank không có giám đốc quản trị rủi ro trong 8 tháng
Silicon Valley Bank, một ngân hàng mang tính biểu tượng trong giới đầu tư mạo hiểm trong nhiều thập kỷ qua, đã sụp đổ trong ngày 10/03. Đây cũng là ngân hàng lớn nhất đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Giới chức California đã đóng cửa SVB và giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. FDIC sẽ thanh lý tài sản ngân hàng để trả cho những người gửi tiền và chủ nợ của SVB.
8 tháng hoạt động không có giám đốc quản trị rủi ro
Trước khi xảy ra những điều này, một thông tin quan trọng đã được tiết lộ trong báo cáo của SVB rằng ngân hàng đã hoạt động mà không hề có giám đốc quản trị rủi ro (CRO) trong 8 tháng.
Cụ thể, Laura Izurieta đã từ chức Giám đốc quản trị rủi ro của Tập đoàn Tài chính SVB (công ty mẹ của Silicon Valley Bank) vào tháng 4/2022 và chính thức rời đi vào tháng 10/2022, theo báo cáo của SVB. Mãi cho tới tháng 1/2022, SVB mới bổ nhiệm người mới vào vị trí CRO là Kim Olson.
Vẫn chưa rõ SVB đã quản lý rủi ro ra sao trong giai đoạn chưa có CRO. Đại diện của SVB không phản hồi về thông tin này.
Một nhân viên quản trị rủi ro thường lường trước và quản lý các rủi ro về pháp lý, hoạt động, cạnh tranh hoặc các rủi ro khác mà một công ty phải đối mặt. Theo báo cáo từ SVB, giám đốc quản trị rủi ro của SVB sẽ báo cáo trực tiếp với “Ủy ban rủi ro”, bao gồm chủ tịch HĐQT của SVB, và cả CEO. Ủy ban rủi ro chịu trách nhiệm tuyển dụng, đánh giá và chấm dứt hợp đồng với giám đốc quản trị rủi ro, và tính đến năm 2023, ủy ban này bao gồm 7 thành viên.
Silicon Valley Bank đã không có giám đốc quản trị rủi ro chính thức trong quá trình chuyển đổi đầy khó khăn trên thị trường vốn mạo hiểm. Vào đầu năm 2022, khi lãi suất bắt đầu tăng lên, các nhà đầu tư mạo hiểm rút lui và giảm tốc độ giao dịch, khiến các công ty công nghệ mà họ hậu thuẫn bị cạn thanh khoản. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tiền gửi tại SVB.
Khi các khách hàng startup rút tiền gửi để duy trì hoạt động trong môi trường IPO và huy động vốn tư nhân bị đóng băng, SVB bắt đầu nhận ra tình trạng thiếu vốn. Ngân hàng này buộc phải bán tất cả trái phiếu sẵn sàng để bán với khoản lỗ 1.8 tỷ USD, SVB cho biết vào cuối ngày 08/03.
Nhu cầu đột ngột về nguồn vốn mới, đặc biệt là sau sự sụp đổ của ngân hàng Silvergate trong lĩnh vực tiền điện tử, đã gây ra làn sóng rút tiền gửi khác vào ngày 09/03. Khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã khuyến nghị những công ty thuộc danh mục đầu tư của họ rút tiền, theo những người có kiến thức về vấn đề này.
Các khách hàng của SVB cho biết giám đốc điều hành Greg Becker đã không tạo được niềm tin khi kêu gọi họ giữ bình tĩnh vào chiều ngày 09/03. Đà lao dốc của cổ phiếu SVB không có dấu hiệu dừng lại, với mức giảm 60% vào cuối phiên giao dịch thông thường.
Vũ Hạo (Theo Fortune)