Vietstock - Quỹ bất động sản 69 tỷ đô của Blackstone hạn chế khách hàng rút tiền
Quỹ đầu tư bất động sản dành cho người giàu của Blackstone cho biết sẽ giới hạn ngưỡng mua lại chứng chỉ quỹ từ phía khách hàng. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy khó khăn đang bủa vây mảng sinh lãi nhất của Blackstone và là chỉ báo gây “lạnh sống lưng” cho ngành bất động sản.
Quỹ Blackstone Real Estate Income Trust (BREIT) đang bị yêu cầu rút vốn vượt mức giới hạn hàng quý. Sau thông tin này, cổ phiếu Blackstone rớt 10%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2022.
“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi được xây dựng dựa trên hiệu quả hoạt động chứ không phải dòng vốn và hiệu quả hoạt động đang rất vững chắc”, phát ngôn viên của Blackstone cho biết. Người này nói thêm rằng việc BREIT tập trung nhiều vào nhà cho thuê và logistics ở Vành đai Mặt trời giúp công ty có vị trí thuận lợi trong tương lai. Năm nay, quỹ đã tích lũy hơn 20 tỷ USD hợp đồng hoán đổi cho đến tháng 11 để chống lại tác động của đà tăng lãi suất.
BREIT là một gã khổng lồ trong ngành bất động sản kể từ khi ra đời trong năm 2017. Quỹ này vung tiền mua các căn hộ, nhà ở ngoại ô, ký túc xá và dĩ nhiên cũng tăng trưởng nhanh chóng trong kỷ nguyên tiền rẻ. Hiện tại, đà tăng của lãi suất và sự hạ nhiệt của nền kinh tế đang làm xoay chuyển cục diện ở BREIT, khiến quỹ này phải cảnh báo họ có thể hạn chế hoặc tạm ngưng yêu cầu mua lại chứng chỉ quỹ trong thời gian tới.
Việc Blackstone thành lập BREIT cũng gây sự chú ý cho lĩnh vực quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) không giao dịch trên sàn. Không giống như nhiều quỹ REIT khác, chứng chỉ quỹ BREIT không giao dịch trên sàn. Họ áp giới hạn về mức rút tiền của nhà đầu tư để tránh bị bán giải chấp. Điều này có nghĩa nếu có quá nhiều người đòi rút vốn, ban quản lý quỹ có thể chọn giới hạn rút vốn hoặc nâng mức giới hạn lên. BREIT cho biết lượng yêu cầu rút vốn đã vượt mức giới hạn 2% NAV hàng tháng và giới hạn 5% của quý.
“Nếu BREIT nhận quá nhiều yêu cầu mua lại chứng chỉ quỹ trong quý 1/2023, quỹ dự định thực hiện mua lại 2% NAV mỗi tháng và 5% NAV mỗi quý”, BREIT cho biết trong lá thư gửi đi vào ngày 01/12.
Các giám đốc điều hành hàng đầu của Blackstone đặt cược mạnh vào quỹ đầu tư bất động sản này. Tháng trước, Bloomberg đưa tin Chủ tịch Jon Gray đã rót hơn 100 triệu USD tiền túi vào BREIT kể từ tháng 7/2022 và CEO Steve Schwarzman cũng bỏ tiền của mình vào quỹ, dựa trên nguồn tin thân cận.
Trong năm qua, các cá nhân giàu có, văn phòng gia đình (family offices) và cố vấn tài chính tỏ ra cẩn trọng hơn về việc rót vốn vào các tài sản có thanh khoản thấp và khó định giá. Tại UBS Group AG, một số cố vấn đã giảm nắm giữ chứng chỉ quỹ BREIT. Một lượng lớn yêu cầu mua lại chứng chỉ quỹ BREIT đến từ châu Á trong năm 2022, Bloomberg dẫn lại nguồn tin thân cận.
“Xu hướng rút vốn khỏi BREIT đang diễn ra và tác động tới giá cổ phiếu vào sáng nay. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới cổ phiếu trong nhiều quý tới”, Michael Brown, Chuyên viên phân tích tại Keefe Bruyette & Woods, cho hay.
Bất động sản bất ổn
Diễn biến ở Blackstone là dấu hiệu mới nhất về đà giảm tốc của ngành bất động sản. Đà tăng của lãi suất khiến nhiều chủ nhà gặp khó khăn trong việc tái tài trợ và thậm chí khiến các ngân hàng phải thực hiện bán giải chấp một số khoản vay. Thị trường bất động sản nhà ở cũng chậm đi đáng kể.
Chi phí vay nợ quá cao đã buộc Blackstone phải điều chỉnh lại định giá với một số khoản nắm giữ của BREIT và từ đó siết lợi nhuận với quỹ này. Trong 10 tháng đầu năm, chứng chỉ quỹ của BREIT mang lại tỷ suất sinh lợi ròng 9.3%.
Dù vậy, hiệu suất của BREIT vẫn vượt trội hơn các quỹ bám theo chỉ số S&P 500. Quỹ đầu tư bất động sản này tập trung vào nhà kho ở thành thị và nhà ở cho thuê. Đây là các lĩnh vực mà các chuyên gia của Blackstone tin là sẽ mang lại dòng tiền mặt cao trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Trong ngày 01/12, Công ty thông báo sẽ bán đi phần vốn góp ở các khách sạn tại Las Vegas để có thanh khoản.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)