Vietstock - Vì sao xuất khẩu thủy sản đang tăng phi mã bất ngờ tuột dốc?
Sau khi tăng trưởng dương liên tục trong 10 tháng đầu năm, tháng 11, xuất khẩu thủy sản đã giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 11, xuất khẩu (XK) thủy sản đạt khoảng 780 triệu USD, giảm trên 14% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tháng đầu tiên kể từ đầu năm, XK thủy sản tăng trưởng âm.
Trong các mặt hàng, ngoại trừ mực - bạch tuộc tăng 6,3%, các loại cá biển khác tăng 9,4%; còn lại các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm hai con số. Giảm sâu nhất là cá ngừ (giảm 26,6%), tiếp đến là cá tra (giảm 25,9%), tôm giảm 19,5%...
Xuất khẩu cá tra tháng 11/2022 giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: CK |
Tổng 11 tháng năm 2022, XK thủy sản Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mặt hàng tôm thu về trên 4 tỷ USD (tăng 14%), cá tra đạt gần 2,3 tỷ USD (tăng 63,1%), cá ngừ đạt 941 triệu USD (tăng 40%), mực - bạch tuộc đạt 704 triệu USD, tăng 30%...
Về thị trường, Mỹ là thị trường số 1 của XK thủy sản Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 với kim ngạch trên 2 tỷ USD, tăng gần 10%. Tiếp đến là Trung Quốc - Hongkong và Nhật Bản cùng đạt khoảng 1,6 tỷ USD. Thị trường EU đạt trên 1,2 tỷ USD; Hàn Quốc trên 882 triệu USD…
Theo VASEP, sau khi tăng trưởng mạnh trong 3 quý đầu năm, XK thủy sản đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 10 khi chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, còn tháng 11 đã giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo tháng cuối năm 2022, XK thủy sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 gần như đình trệ.
Cảnh Kỳ