Vietstock - Đề xuất lập 100 trạm để thu phí ôtô vào Hà Nội từ 2024
Đơn vị tư vấn đề xuất Hà Nội lập gần 100 trạm thu phí vào nội đô với mức thu khởi điểm là 50.000 đồng/lượt và tối đa 100.000 đồng. Thời gian thí điểm bắt đầu từ năm 2024.
Đề xuất trên vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) nêu trong báo cáo kết quả nghiên cứu về đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố,
Trước đó, đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông Vận tải đã bổ sung, hoàn thiện và báo cáo Sở GTVT Hà Nội về đề án trên.
Thu phí tối thiểu 50.000 đồng/lượt xe
Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ôtô vào nội đô.
Phương án này tăng 13 trạm so với đề xuất trước đó. Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường vành đai 3 trở vào.
Cụ thể, phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục tây Thăng Long - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh và khép kín vào vành đai 3.
Đơn vị tư vấn đề xuất Hà Nội lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường vành đai 3 trở vào. Ảnh: Thụy Trang. |
Đối tượng thu phí là ôtô di chuyển từ bên ngoài vành đai 3 vào trong khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng... thuộc nhóm được miễn thu phí.
Nhóm xe được giảm phí gồm ôtô của các doanh nghiệp công ích, ôtô kinh doanh vận tải hành khách và vận tải nội bộ từ 10 chỗ trở lên (bao gồm cả lái xe); ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa; ôtô từ 9 chỗ trở xuống của hộ gia đình trong khu vực thu phí; ôtô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí.
Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe. Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h-21h. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.
Theo lộ trình, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí. Thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.
Về công nghệ, đơn vị tư vấn áp dụng công nghệ thu phí không dừng.
Lộ trình 3 giai đoạn
Trong báo cáo, Tramoc dẫn kết quả khảo sát từ 1.028 phiếu khảo sát online do đơn vị tư vấn thực hiện và cho biết có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo và 27,1% không ủng hộ.
Theo Tramoc, nếu đề án được HĐND Hà Nội thông qua và UBND thành phố trình báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay, Hà Nội có thể thí điểm vào năm 2024 và chính thức áp dụng từ năm 2025. Lộ trình này phù hợp với quy định hiện hành.
Nếu lùi thời gian báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025, sẽ gặp khó khăn khi triển khai đề án do Nghị quyết 115 của Quốc hội hết hiệu lực. Đây là Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội.
Khi đó, để có cơ sở pháp lý thu phí cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách thu phí (điều chỉnh luật) và khó có thể triển khai thí điểm trước năm 2030.
Từ yếu tố trên, Tramoc kiến nghị giữ nguyên lộ trình thí điểm thu phí là vào năm 2024 và đề xuất 3 giai đoạn.
Giai đoạn thí điểm (năm 2024-2025), Hà Nội sẽ thu phí tại một số trục chính bằng cách bố trí 15 trạm thu tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn, nguy cơ ùn tắc giao thông. Sau khi thí điểm có hiệu quả, vùng thu phí sẽ được mở rộng.
Giai đoạn 2 (năm 2026-2030), đơn vị đề xuất mở rộng vùng thu phí ra bờ nam sông Hồng. Khu vực này được giới hạn bởi các đường vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - vành đai 3.
Giai đoạn 3 (sau năm 2031), vùng thu phí mở rộng ra bờ bắc sông Hồng. Khu vực này được giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - vành đai 3.
Trước đó vào đầu tháng 10, trong báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội theo Nghị quyết 115, UBND Hà Nội cho biết sẽ hoàn thiện đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn, sau đó trình HĐND thành phố vào thời điểm phù hợp. |
Mỹ Hà