Vietstock - Tăng 6 tuần liền, dầu Brent đánh dấu đợt leo dốc dài nhất từ tháng 3/2011
Tuần qua, giá dầu WTI tiến 0.8%, giá dầu Brent tăng 1.8%
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm nhẹ trong ngày thứ Sáu (18/05), nhưng vẫn tăng trong tuần qua, khi nhà đầu tư vật lộn với khó khăn vì sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng trưởng liên tục trong bối cảnh thị trường kỳ vọng vào sự sụt giảm lượng dầu ở Trung Đông, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lùi 21 xu (tương đương 0.3%) xuống 71.28 USD/thùng, sau khi đóng cửa tại đỉnh 3 năm rưỡi trong 2 phiên trước đó. Tuần qua, hợp đồng này đã tiến 0.8%, ghi nhận 3 tuần tăng liên tiếp.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn mất 79 xu (tương đương 1%) còn 78.51 USD/thùng, nhưng vẫn tăng 1.8% trong tuần qua. Hôm thứ Năm, hợp đồng này đã tích tắc vượt ngưỡng 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014. Dầu Brent đã tăng 6 tuần liền, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 3/2011, dữ liệu từ WSJ Market Group cho thấy.
Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định: “Dầu Brent đã có thành quả vượt trội so với dầu WTI trong tuần này… và chúng ta thấy một số rào cản giao dịch trong việc chốt lời vào cuối tuần khi những căng thẳng địa chính trị dịu bớt”.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng thời có thể tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, một thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) quyết định vẫn tuân theo thỏa thuận này, nhưng các công ty năng lượng khu vực châu Âu đã bắt đầu rút khỏi Iran. Hôm thứ Tư, Tập đoàn năng lượng Pháp Total cho biết sẽ rút khỏi một thỏa thuận nhằm giúp phát triển khu khai thác khí đốt của Iran nếu không được Mỹ thừa nhận.
Quyết định này là một dấu hiệu cụ thể cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể gây trở ngại đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran. Kim ngạch xuất khẩu hiện nay của Iran vào khoảng 2.4 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích dự báo nước này sẽ mất khoảng 400,000 thùng đến 1 triệu thùng nếu một lệnh trừng phạt được phục hồi hoàn toàn trong 6 tháng tới.
Thị trường lo ngại về nguồn cung dầu tại Iran trong bối cảnh thị trường dầu ngày càng được thắt chặt. Hôm thứ Tư, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết dự trữ xăng dầu thương mại ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu từ đá phiến tại Mỹ đã gia tăng đầu tư vào sản xuất nhưng đang phải đối mặt với những thách thức về lợi nhuận của chính họ. Dầu Permian Basin đang được bán với mức chiết khấu cao nhất đối với giá dầu WTI đạt đỉnh 3 năm rưỡi, sau khi sản lượng đã vọt lên mức kỷ lục 3.2 triệu thùng/ngày.
Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ không thay đổi với 844 giàn trong tuần này, nhưng số giàn khoan này đã tăng liên tiếp 6 tuần qua.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 6 lùi 0.4% xuống 2.233 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng mất 0.7% còn 2.266 USD/gallon. Dù vậy, cả 2 hợp đồng này đều vọt 2% trong tuần qua.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 giảm 0.4% xuống 2.847 USD/MMBtu, nhưng vẫn tăng 1.5% trong tuần giao dịch vừa qua.
An Trần