Bài viết dựa trên phân tích và quan điểm của cá nhân, không phải là lời khuyên đầu tư.
Tiếp theo sau bài phân tích và nhận định về đồng Đô la Mỹ và Yên Nhật trong bài viết "USD/JPY: Yên Nhật là tài sản trú ẩn an toàn?", tôi xin tiếp tục chia sẻ quan diểm của cá nhân tôi đối với cặp tiền tệ USD/CHF.
Trong bài viết trước "EUR/USD: Xu hướng giảm dài hạn là rất rõ ràng", tôi có chia sẻ quan điểm cá nhân về đồng Euro cũng như đồng Đô la Mỹ và việc Fed giữ nguyên mức lãi suất có ý nghĩa như thế nào đối với đồng bạc xanh. Vì vậy, trong bài viết này, tôi xin phép chỉ tập trung mổ xẻ các vấn đề xoay quanh đồng Franc Thuỵ Sĩ để từ đó có cái nhìn rõ hơn về xu hướng sắp tới của cặp tiền tệ USD/CHF.
Franc Thuỵ Sĩ ngày càng suy yếu
Vào ngày 21/03/2019, Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ (SNB) công bố giữ nguyên mức lãi suất ở mức -0.75%, điều đó không có gì bất ngờ. Chủ tịch Thomas Jordan chia sẻ trong bài phát biểu rằng "Chúng ta đang chứng kiến các rủi ro tiềm ẩn ngày càng gia tăng, trong đó bao gồm xung đột thương mai Mỹ - Trung, thoả thuận Brexit cũng như sự mâu thuẫn vẫn chưa có hướng giải quyết giữa Liên minh châu Âu và Ý." (Nguyên văn: We have seen the downside risks have increased. We still have the conflict between America and China, we have the whole Brexit issue and the conflict between the European Commission and Italy). Nhưng liệu đó có phải là những lý do khiến đồng Franc Thuỵ Sĩ chịu áp lực giảm giá?
Một vài thông tin cơ bản có tác động không nhỏ đến CHF mà chúng ta cần tham khảo đó chính là GDP, Doanh số bán lẻ, và PMI. Sau khi GDP theo năm của quốc gia này đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại, 3.4% vào quý 2 2018, GDP sau đó đã giảm vào quý 3 và quý 4 2018 lần lượt là 2.4% và 1.4%. Mặc dù, báo cáo GDP của Thuỵ Sĩ không phải quá tiêu cực đối với đồng CHF, nhưng đủ để nhận ra nền kinh tế tại quốc gia này có dấu hiệu chậm lại.
Bên cạnh đó, báo cáo doanh số bán lẻ cho thấy tín hiệu không mấy khả quan trong thời gian gần đây khi doanh số bán lẻ của tháng 11/2018 là -0.5%, tháng 12/2018 là -0.3%, tháng 1/2019 là -0.4%. Trong khi chỉ số PMI giảm dần từ khoảng tháng 9/2018 ở mức 64.8 xuống còn 55.4 vào tháng 2/2019.
Về mặt phân tích kỹ thuật, USD/CHF đã hình thành tam giác tăng (Ascending Triangle) theo biểu đồ khung thời gian tuần. Hiện tại giá vẫn chưa thể phá đường kháng cự của mô hình tam giác tăng kể từ đầu năm 2018 đến nay, nhưng với các đáy tăng dần cùng với những cây nến to khi tăng và nến nhỏ khi giảm cho thấy lực bán đang cạn kiệt dần và bên mua đang áp đảo. Khi giá chính thức phá đường kháng cự trên, bên mua sẽ chiếm ưu thế hoàn toàn.
Lời kết
Nhà đầu tư nên chờ đợi giá phá vỡ đường kháng cự của mô hình và chỉ mua vào khi giá hồi về đường kháng cự nay đã trở thành đường hỗ trợ. Hiện tại giá còn đang cách khá xa đường kháng cự và có thể mất ít nhất 3 tuần hoặc hơn trước khi giá chính thức phá đường kháng cự đó. Vì thế, nhà đầu tư có thể sử dụng chức năng thông báo trên Investing.com và cài đặt vùng giá mà nhà đầu tư muốn theo dõi, khi giá di chuyển đến vùng đã cài đặt sẵn, nhà đầu tư sẽ nhận được thông báo trên ứng dụng di động, trên desktop hoặc qua email.