Một số dự báo của KBSV về kinh tế Việt Nam trong năm 2022 như sau:
- Tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo tăng 6.3% (trong kịch bản cơ sở dịch Covid vẫn được kiểm soát tương đối tốt nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine Việt Nam ở mức cao, các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường trở lại)
- CPI bình quân ở mức 3.8% cho cả năm 2022, nằm trong mục tiêu lạm phát 4.0% mà Chính phủ đề ra, do nhu cầu tiêu thụ trong nước hồi phục yếu dưới sự tác động của đợt dịch kéo dài, kết hợp với việc đà tăng của giá hàng hoá chững lại và có sự phân hóa, và cung tiền M2 tăng trưởng chậm lại
- Định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được duy trì trong năm 2022, tuy nhiên điều kiện khách quan không thuận lợi khi mà áp lực lạm phát là hiện hữu với kịch bản cơ sở lạm phát ở mức 3.8%. Theo đó, nhiều khả năng NHNN vẫn sẽ giữ nguyên các loại lãi suất điều hành, không có thay đổi trong kịch bản cơ sở, và tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 14% tương đương với mức tăng trong năm 2021. Mặt bằng lãi suất cho vay đi ngang và có thể giảm nhẹ ở một số ngành nghề ưu tiên dưới tác động của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính Phủ, trong khi lãi suất huy động sẽ nhích tăng (trên dưới 0.5%). Tỷ giá USD/VND dự báo tăng nhẹ 0.5-1% với nguồn cung USD ổn định.
Tổng quan kinh tế vĩ mô Việt Nam 2022
Đợt giãn cách xã hội do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã gây ra những tác động sâu, rộng, và toàn diện đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2021 ước tính đạt 2.58% YoY - ở mức thấp nhất lịch sử thống kê. Dù vậy, với việc tốc độ tiêm chủng vaccine được đẩy nhanh tại các thành phố lớn, dịch bệnh dần được kiểm soát vào thời điểm cuối quý 3, các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, đã giúp nền kinh tế bắt đầu phục hồi trong quý 4/2021.
Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng dịch Covid vẫn được kiểm soát tương đối tốt ở Việt Nam nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức cao. Động lực tăng trưởng trong năm 2022 sẽ đến từ việc Chính phủ đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, tiêu dùng nội địa và hoạt động sản xuất chế biến chế tạo hồi phục, xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi nhờ lộ trình tham gia các hiệp định FTAs, và sự quay lại của dòng vốn FDI (dù chưa thể khôi phục lại hoàn toàn như mức trước đại dịch do tác động kéo dài của các đợt giãn cách xã hội trong quý 3/2021). Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thực hiện trong 2022-2023 quy mô 350,000 tỷ đồng được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường lần 1 Quốc hội khóa XV đã được thông qua sẽ là “bước đệm” phục hồi trong giai đoạn tới.
Sự ổn định vĩ mô vẫn tiếp tục được chú trọng và duy trì trong giai đoạn tới. KBSV nhận định lạm phát 2022 sẽ nằm trong mục tiêu của Chính phủ, dù chịu áp lực lớn hơn, trong khi tỷ giá có thể tăng nhẹ trong biên độ cho phép trước diễn biến mạnh lên của đồng USD.
Bảng 1 . Một số chỉ tiêu vĩ mô năm 2022
Tăng trưởng GDP năm 2021
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP trong năm 2021 ước tính tăng 2.58% YoY (quý 1 tăng 4.72% YoY, quý 2 tăng 6.73% YoY, quý 3 giảm 6.02% YoY và quý 4 tăng 5.22% YoY), mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử thống kê. Tính riêng cho Quý 4, GDP tăng 5.22% YoY, phản ánh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau khi Chính phủ Việt Nam thay đổi chiến lược chống dịch từ “zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo nghị quyết số 128/NQ – CP ngày 11/10/2021.
Xem thêm tại đây