Cục Dự trữ Liên bang đã chịu nhiều chỉ trích khi đã chậm chân trong việc đưa ra chính sách thắt chặt vào năm ngoái , thời điểm lạm phát chưa tăng mạnh, nhằm giúp Mỹ thoát khỏi tình trạng lạm phát cao như hiện nay đang đeo bám nền kinh tế. Nhưng một phân tích các ngân hàng trung ương khác đã áp dụng chính sách thắt chặt từ sớm, lại cho thấy điều ngược lại.
The Economist đã phân tích số liệu của 8 quốc gia (bao gồm Brazil, Hàn Quốc và New Zealand), nơi việc thắt chặt chính sách đã bắt đầu từ 1 năm trước hoặc lâu hơn, với mức tăng lãi suất trung bình là 6 điểm phần trăm, nhiều hơn đáng kể so với mức tăng của Fed cho đến nay. Về lý thuyết, lãi suất tăng lên đáng lẽ đã kiềm chế được lạm phát, nhưng thực tế không phải vậy.
So sánh chính sách tiền tệ giữa các nền kinh tế là điều khó khăn vì mỗi quốc gia đều khác nhau về điều kiện vĩ mô. Tuy nhiên, phân tích đưa ra những góc nhìn về điều gì có thể xảy ra hoặc không.
Phân tích chỉ ra rằng giá tiêu dùng cốt lõi của 8 quốc gia nói chung - đã tăng nhanh chóng và đáng kể trong năm nay bất chấp việc tăng lãi suất sớm và tích cực.
The Economist đưa ra ba lý do có thể giải thích tại sao lạm phát tăng mạnh như vậy mặc dù áp dụng chính sách thắt chặt sớm. Thứ nhất là độ trễ giữa thay đổi chính sách và thay đổi đối với lạm phát kéo dài hơn 1 năm, đặc biệt là trong môi trường hiện tại. Thứ hai, có thể sự thắt chặt của nhóm 8 quốc gia là chưa đủ và thậm chí cần phải diễn ra nhanh và mạnh hơn. Thứ ba, lần này lạm phát có thể ảnh hưởng mạnh và kéo dài hơn và do đó khiến chính sách tiền tệ kém hiệu quả hơn.
Lời giải thích thứ ba kém lạc quan hơn vì ngụ ý rằng khả năng giảm lạm phát của Fed kém hiệu quả hơn so với giả định, làm tăng nguy cơ mắc sai lầm trong chính sách của Fed: thắt chặt quá mạnh trong thời gian quá dài.
Dù có đạt được hiệu quả hay không, thì tâm lý thị trường kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục, dù khó xác định quy mô của các đợt tăng lãi suất. Các hợp đồng tương lai quỹ Fed đang định giá gần như chắc chắn về mức tăng lãi suất 50 hoặc 75 điểm cơ bản tại cuộc họp FOMC tiếp theo vào ngày 14 tháng 12.
Có khả năng là lãi suất cao hơn sẽ làm chậm tăng trưởng của nền kinh tế và có thể gây ra suy thoái, khi việc tăng lãi suất bổ sung nhằm giảm lạm phát chưa đạt nhiều hiệu quả.
Một số quan chức Fed khuyến nghị nên giữ chính sách tăng mạnh lãi suất lâu hơn. “Fed không thể để lạm phát tăng mạnh”, Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cho biết, “Nếu chúng ta lùi bước vì sợ suy thoái, lạm phát sẽ quay trở lại thậm chí còn mạnh hơn và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để kiềm chế lạm phát”.
Câu hỏi là liệu rằng lạm phát có tiếp tục tăng mạnh ngay cả khi tiếp tục các đợt tăng lãi suất tiếp tục? Phân tích cho thấy rất khó để biết được, ít nhất là đối với triển vọng trong ngắn hạn.