Áp lực bán tiếp tục duy trì trên thị trường dầu trong sáng nay, khi mà các nhà đầu tư vẫn lo ngại về rủi ro của nền kinh tế Mỹ. Trong vòng một tháng qua, giá dầu đã giảm gần 20% trong khi nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ lấn át lo ngại nguồn cung do cam kết cắt giảm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC+.
Nhu cầu đối với dầu thô trên thị trường hàng thực cũng yếu, phản ánh qua việc các nhà máy lọc dầu đang tính phương án cắt giảm sản lượng do biên lợi nhuận lọc dầu ở mức thấp. Động lực tăng trưởng tiêu thụ chính của năm nay vốn đặt vào Trung Quốc, tuy nhiên, các số liệu kinh tế gần đây được công bố đều cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu tăng trưởng khiêm tốn.
Thị trường hiện vắng bóng các động lực để giá dầu tăng. Yếu tố hỗ trợ duy nhất hiện nay là việc Mỹ triển khai mua dầu để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược SPR. Vào tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã thông báo về kế hoạch mua lại dầu thô khi giá ở mức hoặc thấp hơn khoảng 67 - 72 USD/thùng. Tuy nhiên quá trình này sẽ kéo dài nhiều năm và không mang tính đảo ngược đà giảm hiện nay của giá dầu.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, khi mà các tin tức về cung cầu không quá nhiều, giá dầu có thể chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô. Nếu tâm lý tiêu cực tiếp tục khiến cho các nhà đầu tư đẩy mạnh nắm giữ tiền mặt, giá dầu sẽ tiếp tục gặp sức ép bán lớn và giảm thêm. Chỉ số Dollar Index giảm nhẹ trong sáng nay, nhưng vẫn có thể sẽ hồi phục và kiểm nghiệm lại vùng kháng cự tâm lý 103 điểm trong một vài phiên tới.