Động lực cho sự tăng trưởng kinh tế luôn được coi là cần phải dựa vào 4 yếu tố: xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa. "Tiền ra" từ khu vực tư nhân sẽ đóng góp vào việc kích thích nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước, dòng tiền xoay vòng sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ các chỉ số tăng trưởng. Tuy nhiên, có một sự thật tồn tại từ lâu mà chưa được giải quyết triệt để, đó là chính sách phát triển khu vực tư nhân chưa xứng đáng với tiềm năng.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10, ngày 3/6/2017 về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Tiếp sau đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; các bộ, ngành, địa phương cũng có những chương trình hành động cụ thể, triển khai thiết thực để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực này. Gần đây nhất, tháng 3/2023 Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với những mục tiêu cụ thể hơn: 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65%; Hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc đứng đầu trong chuỗi giá trị.
Thế nhưng, sức mạnh nội sinh của khu vực kinh tế này có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân và tốc độ doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn nhiều năm trở lại đây trong khi doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng mạnh. Trong khi đó đầu tư khu vực nhà nước liên tục lập đỉnh. Vậy tại sao lại có xu hướng này và ảnh hưởng của nó sẽ ra sao, hãy cùng lắng nghe phân tích của chúng tôi ngay sau đây: