Vietstock - Đồng USD xuống đáy gần 2 năm so với đồng Euro sau nhận định của Chủ tịch ECB
Chỉ số đồng USD rơi xuống đáy 11 tháng
Đồng USD đang liên tục suy yếu trước những áp lực khổng lồ và dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, CNBC cho hay.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi, là yếu tố kích thích gần đây nhất, qua đó đẩy đồng Euro lên cao hơn bằng các nhận định rằng ECB sẽ bàn luận về thời điểm bắt đầu cắt giảm chương trình mua lại trái phiếu vào mùa thu năm nay.
Mặc dù một số chuyên gia cho rằng ông Draghi có gì đó không rõ ràng, nhưng những lời nói của ông đã thúc đẩy đồng Euro lên mức cao nhất trong gần 2 năm so với đồng USD.
Đồng Euro tăng từ mức 1.1615 USD, mức cao nhất trong năm 2016, lên mức 1.163 USD – tức tăng 1.1% trong ngày hôm đó. Ông Marc Chandler, Trưởng bộ phận chiến lược về các tài sản có thu nhập cố định tại Brown Brothers Harriman, cho biết nhà đầu tư đã mua mạnh các quyền chọn, qua đó cho thấy thị trường kỳ vọng đồng Euro ở mức cao hơn, có thể là 1.2 USD. Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã rơi xuống đáy 11 tháng và ở mức 94.27 vào cuối phiên giao dịch.
So với đồng Euro, đồng bạc xanh hiện giảm 10% trong năm nay.
Đà suy yếu của đồng USD trong ngày thứ Năm đã nới rộng đà thụt lùi của đồng tiền này, vốn đã bắt đầu từ tuần trước sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ lo ngại về lạm phát thấp và nói về mức lãi suất thấp trung lập thấp hơn. Điều này đã tác động tiêu cực đến đồng USD, và lợi suất trái phiếu giảm sút khi các kỳ vọng về khả năng Fed nâng lãi suất thêm 1 đợt nữa trong năm nay đã phai tàn.
Thêm vào đó, cuộc điều tra về mối quan hệ giữa Donald Trump và Nga đã có diễn biến mới trong tuần trước, khi các lá tư điện tử từ người con của ông Trump cho thấy ông được thông báo về sự ủng hộ của chính phủ Nga đối với chiến dịch của cha mình.
Sau đó, Thượng viện Mỹ cũng không thể thông qua đạo luật y tế mới của Đảng Cộng hòa và các nỗ lực đó ngày càng trở nên mong manh hơn. Dẫu vậy, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Paul Ryan, cho biết trong ngày thứ Năm rằng mục đích của việc này là để đẩy nhanh kế hoạch cải cách thuế. Nếu cải cách thuế được thông qua nhanh chóng thì đây có thể là yếu tố tác động tích cực đến đồng USD.
Động thái mới nhất của đồng USD đã nhanh chóng đảo ngược với sự đột phá từ đầu tuần trước của đồng tiền này. Vào cuối tháng 6/2017, ông Draghi đã khởi đầu cho đà bán tháo của trái phiếu toàn cầu và đà hồi phục của đồng USD bằng các nhận định có hơi hướng “diều hâu” về sự hồi phục của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Các nhà lãnh đạo của các ngân hàng trung ương khác cũng đưa ra quan điểm “diều hâu”, và lợi suất trái phiếu và các đồng tiền đang chuyển biến mạnh mẽ khi thị trường tin rằng Fed sẽ dẫn đầu xu hướng này. Tuy nhiên, điều này lại trái ngược với các nhận định của bà Yellen gần đây cùng với hàng loạt dữ liệu kinh tế Mỹ yếu như lạm phát và doanh số bán lẻ trong tuần trước.
Robert Sinche, Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại Amherst Pierpont, cho biết đồng USD giảm sút trong ngày thứ Năm là do các báo cáo mới về việc Cố vấn đặc biệt, Robert Mueller, mở rộng việc điều tra về mối quan hệ giữa Nga và Donald Trump.
“Điều này báo hiệu với mọi người là sẽ chẳng có gì xảy ra ở Mỹ trong thời gian tới , và họ rút vốn ra khỏi đồng USD”, ông Sinche cho biết. Có mối quan ngại là cuộc điều tra về Nga sẽ là một yếu tố cản trở đến các nỗ lực thông qua các chính sách kích thích tăng trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump như cải cách thuế.
Tuy nhiên, chỉ mới tuần trước, ông Chandler cùng một số người khác đã tin tưởng đồng USD rồi cũng sẽ chuẩn bị tăng ca hơn, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng nhờ quan điểm các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, các nhận định từ Fed lại không ủng hộ quan điểm này.