Vietstock - Vay tiền đánh chứng, nợ tiêu dùng tại Trung Quốc lên cao chưa từng thấy
Sau khi nhận hàng tá cuộc điện thoại và tin nhắn từ ngân hàng thông tin về các gói vay tiêu dùng rẻ, không cần tài sản đảm bảo và vay dễ dàng, Eric Zhang đi đến một trong những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc và vay 400,000 Nhân dân tệ (57,600 USD) với lãi suất 4%.
Thế nhưng, có một trở ngại là ông buộc phải ký vào lá thư không dùng tiền để đầu tư vào bất động sản hoặc chứng khoán. Điều đó không ngăn được Zhang. Vài ngày sau đó, Zhang đã tìm thấy một người giúp ông tạo khoản mua giả và chuyển lượng tiền đó sang tài khoản chứng khoán.
“Tôi không nghĩ ngân hàng có thể theo dõi và xác định lượng tiền đó được sử dụng vào đâu”, Zhang – người làm việc tại một công ty vốn tư nhân có trụ sở ở Thượng Hải – cho biết. “Đây là một vụ giao dịch tuyệt vời”, ông cho biết sau khi nhìn thấy các chứng khoán mà ông giữ đã tăng 6% trong 1 tháng.
Câu chuyện của ông Zhang nhan nhản khắp Trung Quốc khi nhà đầu tư nhỏ lẻ hân hoan đón chào đà tăng mạnh nhất kể từ năm 2015. Ngân hàng và các nền tảng cho vay cũng bị cuốn theo khi nhà đầu tư tìm kiếm cách vay tiền nhanh chóng để đặt cược vào thị trường cổ phiếu biến động nhất thế giới. Đây là một chiến lược nguy hiểm đối với những hộ gia đình vốn đã vay nợ quá nhiều cũng như những ngân hàng đang chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan điều hành.
Các cơ quan chức trách cũng góp phần tạo ra làn sóng này. Trong bối cảnh kinh tế chao đảo vì đại dịch, các nhà hoạch định chính sách đã bơm thanh khoản và nới lỏng hạn chế đối với các ngân hàng ngầm (shadow banking) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và gia đình đang gặp khó khăn. Lượng tiền rẻ đã châm ngòi cho làn sóng kinh doanh chênh lệch (arbitrage), trong đó các nhà đầu tư nhỏ lẻ và doanh nghiệp lợi dụng mức lãi suất thấp để đầu tư vào mọi thứ, từ tiền gửi có lợi suất cao cho tới các sản phẩm quản lý tài sản và chứng khoán.
Đòn bẩy tăng mạnh ngay cả khi hàng triệu người dân Trung Quốc mất việc làm giữa đại dịch. Nợ của hộ gia đình tăng lên 59.7% GDP quý 2/2020, một mức kỷ lục và gấp đôi so với năm 2012. Điều này là do sự bùng nổ của thị trường nhà ở và sự trỗi dậy của các tổ chức cho vay trực tuyến như Ant Group – vốn tạo điều kiện để người tiêu dùng vay nợ thông qua ứng dụng Alipay một cách dễ dàng.
Rủi ro chồng chất cũng nhận được những cái “nhíu mày” từ các nhà điều hành. Trong một lưu ý gửi tới ngân hàng trong tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã yêu cầu các ngân hàng và các nền tảng cho vay trực tuyến báo cáo dữ liệu về tín dụng tiêu dùng để đưa ra bức tranh rõ ràng hơn về 6.6 ngàn tỷ USD nợ tiêu dùng. Lượng tín dụng đến từ các startup công nghệ tài chính (Fintech), cho vay ngang hàng (P2P) và các kênh khác vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
“Không giống như nợ thẻ tín dụng, việc kiểm soát sử dụng vay nợ tiêu dùng khó hơn nhiều”, Chen Hao, Chuyên viên phân tích tại CIB Research có trụ sở tại Thượng Hải, cho hay. “Một khi dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán, nó sẽ tạo ra rủi ro khổng lồ cho ngân hàng trong bối cảnh thị trường biến động mạnh như hiện nay”.
Hoạt động giao dịch cũng bật tăng, với giá trị giao dịch hàng ngày vượt ngưỡng 1 ngàn tỷ Nhân dân tệ trong 17 ngày liên tiếp. Dư nợ vay margin trên các sàn đã tăng nhanh nhất kể từ năm 2015, lên hơn 1.4 ngàn tỷ Nhân dân tệ. Không như các thị trường lớn trên thế giới, nhà đầu tư cá nhân chiếm phần lớn giao dịch chứng khoán tại Trung Quốc và dễ bị tác động mạnh về tâm lý – từ đó ảnh hưởng lây lan tới nền kinh tế và chính sách tiền tệ.
Giới truyền thông Nhà nước còn “tiếp thêm lửa” cho đà tăng này với mục tiêu thể hiện cho thế giới thấy rằng Trung Quốc đang dần gượng dậy từ đại dịch Covid-19. Sau đó, Bắc Kinh đã cố gắng ghìm cương cơn sốt chứng khoán bằng cách kiểm soát các nền tảng cho vay margin bất hợp pháp. Tuy nhiên, nỗi sợ lỡ tàu (FOMO) đang tràn ngập trong tâm trí nhà đầu tư.
Josh Xu, nhân viên bất động sản tại Thượng Hải, là một trader “đánh nhanh rút gọn” (day trader) sử dụng lượng tiền vay từ thẻ tín dụng và từ các tổ chức cho vay trực tuyến như dịch vụ cho vay Jiebei của Ant. Xu – người có thu nhập thấp hơn 10,000 Nhân dân tệ/tháng – đã có lời vài ngàn Nhân dân tệ trên khoản đầu tư 30,000 Nhân dân tệ.
Theo các hợp đồng vay, Ant cấm người dùng vay nợ để đầu tư. Các khách hàng của Jiebei cần phải cung cấp mục tiêu vay nợ khi đăng ký đơn trên ứng dụng và những người vi phạm quy định sẽ bị ứng dụng rút hết tiền. Các điều khoản vay nợ kéo dài từ 3 tháng đến 2 năm.
Dù vậy, trong một thị trường mà các khoản vay nợ tiêu dùng không đảm bảo tăng 20%/năm kể từ năm 2008 và cạnh tranh gay gắt, những người vay nợ như Xu có khả năng lách quy định.
Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc tháng trước nhắc nhở công chúng cẩn thận khi sử dụng thẻ tín dụng và không vay nợ ngắn hạn để dùng cho những mục tiêu dài hạn. Tuần này, Chủ tịch Guo Shuqing cảnh báo việc tiếp cận dễ dàng đến vốn vay có thể châm ngòi cho những bất thường trên thị trường tài chính.
Dù vậy, những lời cảnh báo như thế không đủ sức để răn đe những người như Xu hoặc Zhang.
“Tôi biết rằng một khi bị bắt, tôi sẽ bị yêu cầu trả lại khoản vay ngay lập tức và điểm tín dụng của tôi sẽ giảm mạnh”, Zhang cho biết. “Nhưng nó đáng mà. Nhiều người cũng đang lợi dụng lỗ hổng này để kiếm lời”.
* ‘Chẳng thể nào lỗ được’: Bên trong cơn sốt đầu cơ cổ phiếu tại Trung Quốc
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)