Vietstock - Vàng thế giới lên cao nhất kể từ năm 2013 trước rủi ro kinh tế suy thoái
Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu tăng lên mức đóng cửa cao nhất kể từ năm 2013 vào ngày thứ Tư (14/08) sau một loạt dữ liệu kinh tế ảm đạm, và khi đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ bị đảo ngược làm tăng nguy cơ suy thoái, MarketWatch đưa tin.
“Nhiều lý thuyết mô tả cơ chế liên hệ giữa sự đảo ngược lợi suất và suy thoái kinh tế, nhưng điểm mấu chốt là sự thiếu tự tin trong môi trường lãi suất hiện tại – đặc biệt là lợi suất sẽ không thể duy trì mức hiện tại trong dài hạn”, Ryan Giannotto, Giám đốc nghiên cứu tại GraniteShares, cho hay.
“Cơ sở lý luận này có ý nghĩa sâu sắc đối với vàng. Không chỉ lãi suất được dự báo sẽ giảm, mà quan trọng hơn, sự đảo ngược lợi suất báo hiệu sự không chắc chắn đáng kể về những kỳ vọng trong tương lai”, ông Giannotto chia sẻ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao tháng 12 tiến 13.70 USD (tương đương 0.9%) lên 1,527.80 USD/oz sau khi mất 0.2% vào ngày thứ Ba (13/08). Đây là mức đóng cửa cao nhất của hợp đồng vàng kể từ ngày 11/04/2013, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay cộng 0.8% lên 1,513.34 USD/oz.
“Vàng vẫn được bảo hộ bởi các chủ đề thị trường cốt lõi khác nhau”, Lukman Otunuga, Chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao tại FXTM, nhận định. “Miễn là căng thẳng địa chính trị, sự không chắc chắn về vấn đề Brexit, nỗi lo về tăng trưởng toàn cầu và động thái nới lỏng chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương vẫn là chủ đề chính, thì đà leo dốc của vàng vẫn trong tầm kiểm soát”.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tạm thời dao động thấp hơn mức lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, đánh dấu sự đảo ngược thước đo được theo dõi chặt chẽ nhất của đường cong lợi suất. Đường cong lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 3 tháng với trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã bị đảo ngược từ đầu năm nay.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ nới rộng đà lao dốc sau khi đường cong lợi suất đảo ngược, trong khi vàng dường như tìm thấy sự thúc đẩy đối với nhu cầu mua các tài sản trú ẩn toàn. Vàng đã suy yếu vào ngày thứ Ba (13/08) khi chứng khoán Mỹ nhảy vọt sau quyết định hoãn áp thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc của Chính quyền ông Trump thay vì theo kế hoạch có hiệu lực từ ngày 01/09/2019.
Sức hấp dẫn của vàng cũng được củng cố nhờ dữ liệu kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Cụ thể, Trung Quốc cho biết sản lượng công nghiệp nước này tăng 4.8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6.3% hồi tháng 6. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc cộng 7.6%, giảm từ mức tăng 9.8% trong tháng 6 và thấp hơn dự báo tăng 8.5%.
Dữ liệu cũng cho thấy tăng trưởng nền kinh tế khu vực đồng Euro đạt 0.2% trong quý 2/2019, và sản lượng công nghiệp giảm 1.6%. Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực này, chứng kiến GDP giảm 0.1% trong quý 2 so với quý trước đó khi căng thẳng thương mại toàn cầu và lĩnh vực ô tô gặp nhiều khó khăn đã gây sức ép.
Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 9 vọt 1.7% lên 17.28 USD/oz.
Trong khi đó, hợp đồng đồng giao tháng 9 lùi 1.4% xuống 2.592 USD/lb. Hợp đồng paladi giao tháng 9 mất 1.4% còn 1,416.40 USD/oz. Hợp đồng bạch kim giao tháng 10 giảm 1.4% xuống 848 USD/oz.
An Trần