Vietstock - Uber: Nhìn lại sự nghiệp thăng trầm của Travis Kalanick
Travis Kalanick đã dành gần 10 năm để biến ứng dụng taxi thành một công ty startup trị giá cao nhất thế giới, CNNMoney cho hay.
Tuy nhiên, ông đã chấm dứt tư cách Giám đốc điều hành (CEO) của Uber vào cuối ngày thứ Ba sau khi ông nộp đơn từ chức trước áp lực từ các cổ đông lớn.
* Uber: Nhà sáng lập Travis Kalanick từ chức CEO trước áp lực từ cổ đông lớn
Travis Kalanick
|
Sau đây, CNNMoney cho thấy sự nghiệp thăng trầm và đầy tranh cãi của ông Travis Kalanick:
Trước khi thành lập Uber: Khi còn chưa tốt nghiệp, ông Kalanick đã lập nhóm với các sinh viên ngành khoa học máy tính UCLA để tạo ra Scour – một dịch vụ chia sẻ tệp tin thông qua mạng ngang hàng (peer-to-peer) khá giống với Napster. Tuy nhiên, dịch vụ này đã không tồn tại được lâu.
Sau đó, ông trải qua 4 năm làm việc không lương với startup tiếp theo – một mạng lưới ngang hàng khác có tên là Red Swoosh.
Ông Kalanick cho biết ông phải ăn rất nhiều mì ramen trong suốt những năm đói khổ. Và sau đó ông đã mang những đôi vớ có chữ “Mồ hôi, máu và ramen”.
Red Swoosh đã được bán với giá 15 triệu USD trong năm 2007.
Năm 2008: Kalanick cho biết ông đã nghĩ ra ý tưởng về Uber khi ông không thể bắt một chiếc taxi ở Paris.
Garrett Camp, một serial entrepreneur khác, nghĩ ra ý tưởng cho Uber vào giữa năm 2008 sau khi bị 2 công ty taxi lớn ở San Francisco ghi vào danh sách đen. Camp đã gia nhập cùng với Kalanick và 3 người bạn khác với vai trò là cố vấn.
Serial entrepreneur là khái niệm dùng để chỉ những người thành lập những công ty mới sau khi đã làm chủ một hay nhiều công ty trước đó.
Năm 2010: Uber chính thức đi vào hoạt động ở San Francisco vào tháng 5. Ông Kalanick trở thành CEO toàn thời gian của Uber từ tháng 12/2010.
Ông Kalanick đã góp công rất nhiều trong việc định hình công ty, đồng thời giúp ông Camp thoát khỏi ý tưởng là Uber nên mua xe hơi cho riêng mình.
Phong cách quản lý của vị CEO này đã giúp công ty vượt qua các trở ngại pháp lý. Cụ thể, một số chủ hãng taxi đã lên tiếng cho rằng Uber không tuân thủ theo luật địa phương ở nhiều nơi.
Năm 2011: Uber mở rộng ra New York và Paris, đồng thời tự gọi mình là “Tài xế tư nhân của mọi người”.
Ông hoàng nhạc rap, Jay-Z, và nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos, trở thành những người đầu tiên ủng hộ Uber, đồng thời giúp công ty huy động hơn 40 triệu USD.
Năm 2013: Uber nhanh chóng có mặt ở hàng loạt thành phố trên khắp thế giới. Giá trị của công ty – 3.4 tỷ USD – đã phản ánh sự lạc quan về khả năng mở rộng chóng mặt của công ty.
Tuy nhiên, các vụ kiện cũng xuất hiện khi Uber mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Nhiều thành phố đã khởi động các vụ kiện chống lại Uber trong một nỗ lực để đóng cửa Uber vì họ xem đây là mối đe dọa đối với ngành taxi truyền thống.
Ông Kalanick cho biết công ty đã chi ra 1 triệu USD mỗi năm để trả chi phí pháp lý.
“Chúng tôi có tới 3 luật sư đang là nhân viên tại Uber và sau đó chúng tôi cũng làm việc với các công ty luật trên khắp thế giới. Có lẽ là 50 công ty luật khác nhau”, Ông cho biết trong tháng 12/2013.
Ông cũng gạt bỏ nói về việc đại chúng hóa Uber và nói rằng muốn dẫn dắt công ty trong nhiều năm tới. Ông cho biết: “Uber là vợ tôi và tôi không có tình nhân”.
Năm 2014: Uber được định giá 18 tỷ USD trong tháng 6/2014 sau khi huy động hơn 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư tổ chức. Đợt huy động vốn thứ hai vào cuối năm 2014 đã nâng giá trị Uber lên 40 tỷ USD.
Ông Kalanick rồi cũng trở thành một tỷ phú – ít nhất là trên giấy tờ. Forbes ước tính lượng tài sản ròng của ông ở mức 3 tỷ USD vào tháng 9/2014.
Uber đã mở rộng ra hơn 100 thành phố, nhưng các vụ kiện và bê bối cũng ngày một nhiều hơn.
Một người phụ nữ Illinois đã khởi kiện Uber và nói rằng người lái xe đã sàm sỡ cô. Công ty đã bị cấm hoạt động ở New Delhi (Ấn Độ) sau khi tài xế cưỡng hiếp một hành khách.
Năm 2015: Uber trở thành công ty startup có giá trị cao nhất trên thế giới với giá trị là 51 tỷ USD, nhưng ông Kalanick liên tục phản đối việc đại chúng hóa công ty.
Trong lúc đó, ngày càng có nhiều người giận dữ trước các chính sách của Uber. Các chính sách đã phân loại tài xế chỉ là người làm việc theo hợp đồng chứ không phải là nhân viên của Uber.
Năm 2016: Uber đã giải quyết 2 vụ kiện pháp lý do các tài xế ở California và Massachusetts muốn được gọi là nhân viên của Uber. Uber khăng khăng cho rằng nhiều tài xế muốn trở thành sếp.
Năm 2017: Ông Kalanick đã phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt sau khi gia nhập nhóm cố vấn doanh nghiệp của Tổng thống Donald Trump. Ông đã rời nhóm vài tuần sau đó.
Đây là vấn đề đầu tiên khởi nguồn cho hàng loạt vụ bê bối trong năm 2017. Không lâu sau đó, một video cho thấy ông Kalanick đang sỉ vả một tài xế Uber – người tỏ ra bực tức về giá taxi của công ty.
Trong tháng 2/2017, cựu kỹ sư Uber Susan Fowler đã đăng một bài viết trên blog tố cáo công ty phân biệt giới tính.
Ông Kalanick cho biết cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Eric Holder, sẽ điều tra về các lời cáo buộc trên. Tuy nhiên, cụm từ “#DeleteUber” (xóa bỏ Uber) đã trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội.
Vào đầu tháng 6/2017, cánh tay phải của ông Kalanick, Emil Michael, đã rời bỏ công ty.
Sau đó, ông Holder đã công bố một báo cáo đáng chê trách về văn hóa quản lý của công ty.
Chỉ vài tuần sau đó, mẹ của ông Kalanick đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn nghiêm trọng và ông đã xin nghỉ phép vô thời hạn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư đã chịu quá đủ và yêu cầu ông Kalanick từ chức.
Trong lá thư của mình, ông Kalanick cho biết: “Tôi yêu Uber hơn bất cứ thứ gì trên thế giới và tại thời điểm khó khăn này trong cuộc đời tôi, tôi đã chấp nhận yêu cầu từ chức của các nhà đầu tư để Uber có thể trở lại con đường tăng trưởng thay vì bị phân tán bởi một cuộc tranh cãi khác”.