Vietstock - TTCK Mỹ chưa bao giờ trầm lắng như thế này kể từ năm 1996
Năm 1996 là lần gần nhất mà thị trường chứng khoán Mỹ trở nên yên ắng như thế này, CNNMoney cho hay.
Chỉ số S&P 500 vẫn chưa một lần sụt giảm 5% kể từ ngày 26/06/2016. Tính tới nay đã là 402 ngày – chuỗi dài nhất kể từ tháng 5/1996, dữ liệu từ Bespoke Investment Group cho thấy.
Dow Jones đã leo dốc hơn 3,600 điểm kể từ khi Donald Trump thẳng cử Tổng thống Mỹ, và mới hôm qua, chỉ số này đã vượt ngưỡng 22,000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Phố Wall đã bị tác động nặng nề bởi một vài phiên bán tháo nhưng chưa xuất hiện đà sụt giảm kéo dài.
Đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ không chỉ kéo dài mà còn khá ổn định. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, chạm mức thấp nhất mọi thời đại trong tuần trước.
Việc không có sự biến động điên cuồng trên thị trường quả là một điều nhẹ nhõm đối với nhiều người Mỹ, nhưng một số khác lại tự hỏi liệu Phố Wall có chuẩn bị giảm mạnh. Họ lo ngại rằng thị trường có thể đã trở nên quá yên ắng – đặc biệt là khi xem xét đến sự huyên náo từ phía Washington và những điểm nóng trên toàn cầu như Triều Tiên.
“Các thị trường hiếm khi yên ắng như thế này trong thời gian dài”, Ryan Detrick, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại LPL Financial, cho biết trong một báo cáo.
Các lần điều chỉnh giảm trên thị trường có thể là một tín hiệu tốt, ngăn chặn thị trường khỏi tình trạng quá nhiệt và cho phép nhà đầu tư đứng bên ngoài chờ đợi một cơ hội để vào lại thị trường.
Chuỗi 402 ngày không có một đợt điều chỉnh 5% của S&P 500 là chuỗi dài thứ 7 trong lịch sử, dữ liệu từ Bespoke Investment Group cho thấy. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi chỉ số Tham lam và Sợ hãi của CNNMoney (CNNMoney's Fear & Greed index) – một thước đo về tâm lý thị trường – đang ở chế độ “tham lam”.
S&P 500 sẽ phải trải qua thêm 191 ngày nữa mà không có một đợt điều chỉnh 5% – tức là tới tháng 2/2018 – để phá vỡ kỷ lục được thiết lập trong năm 1959.
Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra. Lịch sử cho thấy tháng 8 thường là một tháng đáng sợ. Vào một ngày trong tháng 8/2015, Dow Jones đã sụt 1,000 điểm và trong tháng 8/2011, các cơ quan tín nhiệm đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.
Chưa hết, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã tác động tiêu cực đến thị trường trong tháng 8/1997, và quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management đã phá sản trong tháng 8/1998. Dựa trên dữ liệu lịch sử của LPL Financial, tháng 8 và 9 là 2 tháng duy nhất có mức trung bình là số âm.
Tương tự, tháng 8 này cũng có nhiều rào cản. Chính quyền Donald Trump và Triều Tiên đang rất căng thẳng, và mối quan hệ của Mỹ-Trung Quốc vẫn đang ở lưng chừng. Quốc hội Mỹ cần phải nâng trần nợ để tránh tình trạng vỡ nợ. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ước tính Chính phủ Mỹ có thể đáp ứng các cam kết về tài chính trong 2 tháng nữa.
Tính cho tới nay, Phố Wall vẫn chưa bị tác động bởi bất kỳ điều nào ở trên.
David Lafferty, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Global Asset Management, cho hay: “Nhà đầu tư nên tỏ ra khôn ngoan và không nên suy đoán dựa trên tình trạng yên ắng như thế này của thị trường chứng khoán”.
Vậy tại sao thị trường lại yên ắng đến thế?
Nhiều nhà phân tích tin rằng mức lãi suất cực kỳ thấp và hoạt động mưa vào trái phiếu của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã ngăn cản sự biến động của thị trường. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trong lộ trình nâng lãi suất, nhưng các quan chức đã nhấn mạnh sẽ thực hiện điều này một cách từ từ nhằm không làm chao đảo nền kinh tế hoặc các thị trường.
Nền kinh tế Mỹ dù không tăng trưởng mạnh nhưng ổn định, và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4.4%. Tăng trưởng toàn cầu cũng được đẩy nhanh nhờ động lực từ phía châu Âu. Môi trường tăng trưởng không quá “nóng” cũng không quá “lạnh” này tiếp tục hỗ trợ lợi nhuận doanh nghiệp, trong đó có Apple, McDonald's, Boeing và Facebook.
Tất cả những điều trên đã phần nào giải thích vì sao ông Detrick tin rằng nhà đầu tư không nên sợ đợt điều chỉnh giảm tiếp theo.