Vietstock - Toàn cảnh thị trường IPO 2024: Mỹ - Ấn Độ dẫn đầu, Đông Nam Á chạm đáy
Thị trường IPO toàn cầu năm 2024 đã chứng kiến những chuyển biến đáng chú ý với sự đổi ngôi giữa các cường quốc. Tổng cộng có 1,215 thương vụ được thực hiện, huy động được hơn 121 tỷ USD, tuy giảm nhẹ so với năm 2023 nhưng đã có sự cải thiện rõ rệt trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý 4.
Ấn Độ đã tạo nên một cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu thế giới về số lượng IPO. Với số thương vụ gần gấp đôi Mỹ và vượt trội 2.5 lần so với châu Âu, quốc gia này đã chứng minh sức hút ngày càng tăng của thị trường vốn nội địa.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về giá trị huy động vốn, đã giành lại ngôi vương kể từ đỉnh điểm năm 2021. Thị trường Mỹ còn ghi nhận một kỷ lục ấn tượng khi 55% số thương vụ niêm yết đến từ các tổ chức nước ngoài.
Số lượng thương vụ IPO ở các khu vực
Tổng vốn huy động từ IPO ở từng khu vực
Các quỹ đầu tư đóng vai trò then chốt trong làn sóng IPO năm nay. Các quỹ đầu tư tư nhân (PE) và quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) đã đóng góp tới 46% tổng giá trị huy động vốn toàn cầu.
Đáng chú ý, trong 20 thương vụ IPO lớn nhất, có tới 12 thương vụ được hỗ trợ bởi quỹ PE, tăng mạnh so với con số khiêm tốn 2 thương vụ của năm trước. Thị trường cũng chứng kiến sự bùng nổ của các công ty kỳ lân với 18 thương vụ IPO, một nửa trong số đó được thực hiện bởi các quỹ VC, tăng gấp 6 lần so với năm 2023.
AI dẫn dắt thị trường IPO
Về cơ cấu ngành, ba lĩnh vực dẫn đầu là công nghệ-truyền thông-viễn thông (TMT), công nghiệp và tiêu dùng đã chiếm khoảng 60% tổng số thương vụ. Xu hướng niêm yết xuyên biên giới cũng gia tăng mạnh mẽ với 113 thương vụ, tăng từ mức 83 của năm trước, trong đó Mỹ tiếp tục là điểm đến hàng đầu.
Xu hướng nổi bật trong năm là sự quan tâm sát sao của nhà đầu tư đối với các công ty AI, với gần 600 công ty AI đã niêm yết, trong đó gần một nửa thực hiện IPO trong 4 năm qua. Hiện có khoảng 60 công ty AI đang trong quá trình đăng ký IPO và hơn 400 công ty trong danh sách chờ, cho thấy tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này trong tương lai.
Đông Nam Á ảm đạm nhất trong 9 năm
Về hiệu suất khu vực, EMEIA (châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và châu Phi) dẫn đầu với 522 thương vụ, huy động được 53.2 tỷ USD. Châu Mỹ ghi nhận sự phục hồi đáng kể với 205 thương vụ IPO, huy động được 33.1 tỷ USD, đạt mức cao nhất kể từ năm 2021.
Ngược lại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2021, chỉ còn 35% và giá trị giảm 51% so với năm trước.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, thị trường IPO đã chạm đáy 9 năm với chỉ 122 thương vụ, huy động được 3 tỷ USD, giảm mạnh so với 163 thương vụ và 5.8 tỷ USD của năm 2023.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự vắng bóng các thương vụ quy mô lớn, cùng với đó là những thách thức về biến động tiền tệ và căng thẳng địa chính trị.
Trong bối cảnh này, Malaysia đã nổi lên như một điểm sáng khi dẫn đầu khu vực ở cả ba chỉ số: Số lượng IPO, tổng giá trị huy động và vốn hóa thị trường. Malaysia cũng là thị trường duy nhất đạt tăng trưởng về số lượng thương vụ IPO, từ 32 lên 46 thương vụ.
Riêng tại Việt Nam, chỉ có 1 thương vụ IPO của CTCP Chứng khoán DNSE (HOSE: DSE), trong khi năm 2023 có 3 thương vụ, năm 2022 có 8 thương vụ. Tuy nhiên, giá trị huy động được qua thương vụ IPO lại tăng trưởng đột biến. Thương vụ IPO DNSE đã huy động được khoảng 37 triệu USD, vượt qua kết quả huy động của cả thị trường Việt Nam trong năm 2023.
Thị trường IPO toàn cầu hiện đang chịu tác động mạnh mẽ từ những xu hướng lớn đang làm thay đổi bối cảnh kinh doanh trên toàn cầu. Sự thay đổi trong chính sách tài khóa và tiền tệ tạo nên những biến động về dòng vốn và quyết định đầu tư. Căng thẳng địa chính trị và những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược phát triển.
Làn sóng AI và chuyển đổi số không chỉ tác động đến mô hình kinh doanh mà còn định hình lại cách thức vận hành của thị trường vốn. Bên cạnh đó, những yêu cầu ngày càng cao về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cùng với ảnh hưởng từ chính quyền mới tại Mỹ tiếp tục tạo thêm những thay đổi sâu sắc cho thị trường.
Bất chấp các xu hướng trên, năm 2025 được kỳ vọng là một năm tích cực với thị trường IPO toàn cầu. Theo EY, môi trường kinh tế thận trọng lạc quan, chính sách tiền tệ ngày càng thuận lợi, cùng với thanh khoản và định giá được cải thiện là những yếu tố tạo cú hích cho thị trường IPO trong năm 2025.
"Quá trình chuyển đổi doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn, và IPO chính là một kênh huy động vốn hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới. Sau một thời gian hoạt động chậm lại, thị trường IPO toàn cầu đang lấy lại đà tăng trưởng nhờ điều kiện thị trường thuận lợi hơn. Triển vọng năm 2025 ngày càng lạc quan với danh sách dài các doanh nghiệp từ nhiều ngành nghề khác nhau đang sẵn sàng nắm bắt cơ hội từ sức mạnh phục hồi của thị trường", George Chan, Lãnh đạo IPO Toàn cầu của EY nhận định.
Vũ Hạo (Tổng hợp)