Vietstock - Thương mại toàn cầu hồi phục, nhiều nước ghi nhận số đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng trở lại
Thương mại toàn cầu năm 2020 đang hồi phục nhanh hơn so với thời điểm hậu khủng hoảng tài chính năm 2008, qua đó tạo cú huých cho một số khu vực và đập tan dự báo cho rằng đại dịch Covid-19 có thể kéo lùi toàn cầu hóa mãi mãi.
Khi đại dịch Covid-19 ập đến, thương mại quốc tế đánh dấu sự sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng. Hàng loạt chuyên gia kinh tế lên tiếng cảnh báo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và một số công ty cho biết họ sẽ đánh giá lại chuỗi cung ứng ở nước ngoài – vốn dễ bị tác động trước những cú sốc bất ngờ.
Thương mại vẫn ở dưới mức trước dịch. Dù vậy, hoạt động giao thương đã hồi phục mạnh mẽ và lấy lại khoảng 50% những gì đã mất trong 6 tháng đầu năm 2020, theo ước tính của Viện Kinh tế Thế giới Kiel.
Chỉ số khối lượng thương mại toàn cầu. Ảnh: WSJ
|
Trong số 38 nền kinh tế trong cuộc khảo sát của công ty IHS Markit, khoảng 14 nước chứng kiến số đơn xuất khẩu mới trở lại đà tăng trưởng. Các quốc gia khác vẫn đang đi đúng hướng và có thể sớm trở lại đà tăng trưởng.
Các hộ gia đình đang chi tiền cho hàng hóa nhập khẩu, đôi khi với sự hỗ trợ từ gói kích thích của Chính phủ. Trong khi đó, chi tiêu cho các dịch vụ nội địa như nhà hàng, du lịch và xem phim giảm mạnh.
Trong tháng 8/2020, Trung Quốc – nơi đầu tiên tái mở cửa kinh tế trong đại dịch – ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 9.5% so với cùng kỳ. Cảng Ninh Ba-Chu san – một trong những cảng lớn nhất thế giới – ghi nhận khối lượng thương mại vượt mức 2019, với tần suất giao thương ngày càng tăng kể từ tháng 7/2020, dựa trên dữ liệu từ QuantCube Technology.
Kim ngạch xuất khẩu Hàn Quốc trong 10 ngày đầu của tháng 9/2020 chỉ thấp hơn 0.2% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu ở một số cảng ở Mỹ, châu Á và châu Âu cũng đang bình thường trở lại, theo một dữ liệu về khối lượng hàng hóa toàn cầu. Giá cước vận tải đã tăng vượt mức trước dịch đối với một số tuyến đường quan trọng, khi nhu cầu hàng hóa trở lại. Giá vận chuyển container từ Thượng Hải đến California chạm kỷ lục trong tháng này.
Chỉ số về đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: WSJ
|
Rủi ro tiềm tàng
Tuy vậy, đà hồi phục không hề đồng đều giữa các quốc gia và hoạt động thương mại vẫn còn đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn, như khả năng tái bùng phát dịch trong mùa thu.
Dù vậy, các quốc gia có sự cải thiện về thương mại, như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đức, cũng chứng kiến kinh tế phục hồi tốt hơn các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào dịch vụ. Tuy vậy, các yếu tố khác như khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong đà hồi phục này.
Theo dự báo, Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn duy nhất còn tăng trưởng dương trong năm nay. Ở Hàn Quốc và Đức, ngân hàng Barclays kỳ vọng hai nền kinh tế này giảm 1.5% và 5.3% trong năm nay. Trong khi đó, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào dịch vụ như Italy và Tây Ban Nha còn giảm trầm trọng hơn, dự báo ở mức 9.3% và 10.7%.
Điều này cho thấy thương mại có thể đóng vai trò lớn hơn trong quá trình hồi phục của nền kinh tế thế giới, nếu xu hướng này tiếp tục.
“Thương mại là một lĩnh vực cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ”, Shaun Roache, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global, cho hay. “Nếu không thể đi du lịch, bạn vẫn có thể mua một chiếc laptop mới”, ông nói.
Formlabs – một công ty chuyên về sản xuất máy in 3D và có trụ sở tại Somerville, Mass – cho biết, doanh số hồi phục mạnh trong những tuần gần đây, nhất là với sản phẩm giá thấp. Công ty này sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc và xuất khẩu ra các nước trên thế giới.
“Hoạt động của chúng tôi phần lớn đã trở lại mức trước đại dịch”, Christophe Mandy, Trưởng bộ phận sản xuất tại Formlabs, cho hay. Mandy cho biết ông nhận thấy số đơn hàng mới từ các doanh nghiệp nhỏ, như phòng nha khoa. Những doanh nghiệp nhỏ sử dụng giai đoạn chững lại để xem xét lại chiến lược và số hóa quy trình.
Kế hoạch cho tương lai
Các nhà xuất khẩu khác cho biết họ đang tuyển dụng trở lại và thậm chí xem xét các khoản đầu tư mới.
Ecopro BM, một nhà sản xuất vật liệu sản xuất pin ở Cheongju (Hàn Quốc), chuẩn bị nâng công suất sản xuất trong năm nay và tuyển dụng thêm lao động khi nhu cầu ngày càng tăng, Kim Kwang-myoung, chuyên gia về quan hệ nhà đầu tư (IR), cho biết. Theo ông Kim Kwang-myoung, doanh số bán nguyên vật liệu của Ecopro BM hưởng lợi từ nhu cầu xe điện, nhất là ở châu Âu.
Một nhà sản xuất khác của Hàn Quốc là Synus Tech – chuyên về sản xuất thiết bị sản xuất tự động – cho biết đã tuyển dụng thêm lao động trong năm nay khi ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn tự động hóa quy trình. Đại dịch Covid-19 hầu như không tác động tới lợi nhuận, Yoo Jae-Hyeong, Trợ lý phụ trách bộ phận quản lý và hoạch định, cho hay.
Trong bài phân tích gần đây về thương mại toàn cầu, Viện Kiel nghiên cứu dữ liệu từ giai đoạn suy thoái 2008-2009 và phát hiện ra hoạt động thương mại toàn cầu hiện tại phục hồi nhanh hơn nhiều so với giai đoạn 2008-2009.
Theo ông Gabriel Felbermayr, Chủ tịch của Viện Kiel, đà giảm năm nay phần lớn đến từ những rào cản vật lý hơn là sự suy giảm về nhu cầu trong dài hạn. Điều này có nghĩa kim ngạch xuất-nhập khẩu có thể hồi phục nhanh chóng khi các chính quyền mở cửa biên giới và gỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng chỉ ra sự khác biệt giữa hai giai đoạn. Năm 2008-2009, cuộc suy thoái toàn cầu xuất phát từ cuộc khủng hoảng ngân hàng và sự cạn kiệt về thanh khoản, trong khi năm 2020, các Chính phủ đã hành động nhanh chóng để hỗ trợ ngân hàng và đảm bảo tình hình tài chính thương mại.
Tuy vậy, vẫn còn có những thách thức lớn trong thời gian tới. Tâm lý doanh nghiệp vẫn còn khá nặng nề ở một số quốc gia, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại và buộc các nước tái áp đặt biện pháp kiểm soát. Đà hồi phục về thương mại của Việt Nam đã chậm lại sau sự bùng phát dịch bệnh với tâm chấn Đà Nẵng hồi cuối tháng 7/2020,
Đà hồi phục có thể sớm chững lại ở châu Âu và những khu vực khác khi các chương trình kích thích hết tác dụng.
Eva Chan, Giám đốc kinh doanh tại Guangdong Jiusheng Electronics Technology – một công ty lắp ráp tivi ở Trung Quốc, cho biết công ty của bà hiện đang xuất khẩu 3-4 container mỗi tháng, thấp hơn mức 4-6 container hồi trước dịch.
“Có thể thấy rằng tình hình kinh tế ở nước ngoài vẫn còn lắm rối rắm”, bà cho biết. “Nhiều khách hàng hối thúc chúng tôi giao hàng càng sớm càng tốt sau khi đặt hàng” vì họ đang lo ngại về khả năng kinh tế suy thoái và muốn bán nhanh trước khi người mua đổi ý.
“Dù vậy, chúng tôi vẫn sẽ vượt qua đại dịch lần này”, bà Chan cho biết.
Một rủi ro khác là các quốc gia nhập khẩu mạnh như Mỹ có thể phản ứng tiêu cực bức tranh thương mại hiện tại và đưa ra thêm biện pháp bảo hộ khi chứng kiến các quốc gia như Trung Quốc hồi phục quá nhanh.
Tỷ trọng giao thương hàng hóa của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng từ 13.6% (quý 4/2019) lên 17.2% trong quý 2/2020, theo Oxford Economics. Mỹ gần đây ghi nhận thâm hụt thương mại lớn nhất kể từ năm 2008, khi đại dịch kìm hãm xuất khẩu, trong khi nhập khẩu hồi phục.
Trong khi đó, nhiều công ty đang suy xét lại về chuỗi cung ứng – một điều có thể làm thay đổi bức tranh thương mại trong dài hạn.
WILO – một nhà sản xuất máy bơm với 8,000 nhân viên ở Đức – cho biết họ sẽ đặt trụ sở thứ hai tại Trung Quốc trong năm nay và sau đó xây dựng trụ sở thứ 3 tại Mỹ. Theo WILO, bằng việc xây dựng trụ sở ở nước ngoài, WILO có thể miễn nhiễm trước những lần gián đoạn thương mại và biện pháp bảo hộ trong tương lai.
Đà hồi phục thương mại gần đây cho thấy những toàn cầu hóa vẫn chưa sụp đổ hoàn toàn. Trước cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, tỷ lệ thương mại trên GDP toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua trong năm 2019, theo Moody’s Analytics.
Ở những nơi như Đức, nhiều doanh nghiệp chẳng còn cách nào khác ngoài đặt niềm tin vào hàng xuất khẩu. Tại Đức, tổng giá trị xuất khẩu chiếm 47% GDP, gấp 4 lần so với tỷ lệ của Mỹ. Dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí Đức (VDMA) cho thấy một số công ty sản xuất của Đức đang tăng quy mô đầu tư ra nước ngoài.
Thị trường châu Âu quá nhỏ bé để nhiều nhà xuất khẩu của Đức có thể tồn tại chỉ bằng cách bán hàng tại khu vực này, theo Ulrich Ackermann, Giám đốc phụ trách thương mại quốc tế của VDMA, nhận định. “Điều này có nghĩa là chúng ta cần thị trường quốc tế”, ông nói.
Vũ Hạo (Theo WSJ)