Vietstock - Tại sao Biden tốt hơn Trump?
Giả định cho rằng Đảng Cộng hòa giỏi hơn Đảng Dân chủ trong việc quản lý kinh tế là một định kiến lâu đời cần phải xóa bỏ. Đối với tất cả những người Mỹ quan tâm đến tương lai của họ và con cái họ, lựa chọn đúng đắn vào tháng 11/2020 theo tôi là không thể rõ ràng hơn.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Nouriel Roubini
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nguồn: AP
Đảng Dân chủ giỏi hơn Đảng Cộng hòa trong việc quản lý kinh tế
Joe Biden đã liên tục qua mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những cuộc bỏ phiếu thăm dò trước cuộc bầu cử vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, bất chấp phản ứng thất bại của Trump đối với đại dịch COVID-19 - một thất bại khiến nền kinh tế suy yếu hơn nhiều so với trước đây - ông vẫn duy trì một lợi thế nhỏ về câu hỏi ứng cử viên nào sẽ tốt hơn cho nền kinh tế Mỹ. Tôi phải cảm ơn Tổng thống Trump, dân số quốc gia chúng ta chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng hiện có đến hơn 20% tổng số ca tử vong do COVID-19! Đây là một kết quả cực kỳ đáng xấu hổ với hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến và đắt đỏ hàng đầu thế giới của Mỹ.
Giả định cho rằng Đảng Cộng hòa giỏi hơn Đảng Dân chủ trong việc quản lý kinh tế là một định kiến lâu đời cần phải xóa bỏ. Trong cuốn sách "Political Cycles and the Macroeconomy" phát hành năm 1997, tôi và Alberto Alesina đã cùng chỉ ra rằng các tổng thống của Đảng Dân chủ thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp hơn và khiến cho thị trường chứng khoán trở nên mạnh hơn là các tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Nguồn: Los Angeles Times
Thật vậy, sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ hầu như luôn xảy ra dưới thời kỳ cầm quyền của Đảng Cộng hòa - một quy luật đã tồn tại kể từ khi cuốn sách của chúng tôi xuất bản. Các cuộc suy thoái năm 1970, 1980-1982, 1990, 2001, 2008 và 2020 đều xảy ra khi một Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa lãnh đạo Nhà Trắng (ngoại trừ cuộc suy thoái kép 1980-1982, bắt đầu dưới thời Tổng thống Jimmy Carter nhưng tiếp tục dưới thời Tổng thống Ronald Reagan).
Xu hướng này không phải là ngẫu nhiên: các chính sách điều tiết lỏng lẻo dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Khi các vấn đề phức tạp xảy ra, Đảng Cộng hòa luôn theo đuổi các chính sách tài khóa liều lĩnh, chi tiêu nhiều nhưng lại từ chối tăng thuế để bù đắp cho thiếu hụt ngân sách.
Do sự quản lý yếu kém dưới thời Tổng thống George Bush, Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đã "thừa hưởng" cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933. Vào đầu năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã vượt mức 10%, nền kinh tế rơi tự do, thâm hụt ngân sách đã vượt quá 1.2 nghìn tỷ đô la và thị trường chứng khoán đã giảm gần 60%. Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama vào đầu năm 2017, tất cả các chỉ số đó đã được cải thiện đáng kể.
Trên thực tế, ngay cả trước cuộc khủng hoảng COVID-19, tăng trưởng việc làm và GDP của Mỹ cũng như sức mạnh của thị trường chứng khoán, dưới thời Obama vẫn tốt hơn dưới thời Trump. Có thể thấy Trump đã thừa hưởng một nền kinh tế mạnh mẽ từ người tiền nhiệm, để rồi chính ông tự tay phá hủy nó trong nhiệm kỳ của mình. Điều này cũng giống như cách mà ông Trump thừa kế hàng triệu đô la từ cha mình chỉ để phung phí vào những thất bại trong kinh doanh.
Sự phục hồi của thị trường chứng khoán vào tháng 08/2020 trùng với khoảng thời gian thăm dò cho cuộc bầu cử (lúc đó Biden đang là người dẫn đầu) cho thấy rằng thị trường không lo lắng về nhiệm kỳ tổng thống của Biden hoặc viễn cảnh Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và Hạ viện. Lý do rất đơn giản: chính quyền Biden khó có thể theo đuổi các chính sách kinh tế cấp tiến (radical economic policies) có thiên hướng "cánh tả mới". Biden có thể được hỗ trợ bởi các cố vấn theo hướng này, nhưng họ đều hoàn toàn thuộc một trường phái chính trị. Hơn nữa, sự lựa chọn phó tổng thống của ông, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Kamala Harris của California, là một người ôn hòa và hầu hết các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ sẽ ngồi ở Quốc hội mới đều có thiên hướng trung lập hơn phe cánh tả ở Đảng của họ.
Thật vậy, chính quyền Biden có thể tăng thuế suất biên đối với các công ty và 1% các gia đình giàu có nhất, trong khi đó Trump và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã cắt giảm thuế để hỗ trợ cho các nhà tài trợ và tập đoàn giàu có ủng hộ mình khoản tiền 1.5 nghìn tỷ đô la. Mức thuế cao hơn theo tôi sẽ tác động khá ít đối với lợi nhuận của công ty. Bất kỳ thất thoát nào đối với nền kinh tế sẽ được bù đắp nhiều hơn bằng cách ngăn chặn các lỗ hổng cho phép trốn thuế, chuyển lợi nhuận và dây chuyền sản xuất ra nước ngoài, đồng thời với các chính sách “Made in America” do Biden đề xuất mang hoạt động sản xuất về Mỹ nhằm mang lại nhiều việc làm, nhiều lợi nhuận hơn về cho nước Mỹ.
Hơn thế nữa, trong khi Trump và những người thuộc Đảng Cộng hòa thậm chí còn không thèm bận tâm xây dựng một nền tảng chính sách vững chắc cho cuộc bầu cử này thì Biden đã đề xuất một bộ chính sách tài khóa phù hợp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nếu Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện, Hạ viện và Nhà trắng thì chính quyền Biden sẽ theo đuổi chính sách kích thích tài khóa mà mục tiêu là các hộ gia đình, công nhân và những doanh nghiệp nhỏ; cũng như chi tiêu và đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo ra việc làm. Họ sẽ không chú tâm vào việc cắt giảm thuế cho các triệu phú và tỷ phú (như Trump đã từng làm), mà thay vào đó là giáo dục và đào tạo lại người lao động, cũng như vào các chính sách đổi mới và chủ động để đảm bảo khả năng cạnh tranh trong tương lai. Doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ khó bị khủng bố bởi những cơn thịnh nộ của Tổng thống trên mạng xã hội Twitter.
Đảng Dân chủ cũng đang kêu gọi chính sách gia tăng lương tối thiểu để thúc đẩy tiêu dùng và thu nhập của người lao động, cùng với các biện pháp nhằm giảm lượng khí thải CO2. Họ sẽ thúc đẩy các chính sách để khôi phục lại một số quyền đàm phán lợi ích cho công nhân và bảo vệ người gửi tiết kiệm khỏi những định chế tài chính tham lam chỉ coi trọng lợi nhuận. Họ sẽ có một cách tiếp cận hợp lí hơn đối với chính sách thương mại, nhập cư và đối ngoại; cải thiện các mối quan hệ trong các khối liên minh quốc tế và theo đuổi chính sách “hợp tác” hơn là một mối quan hệ tiêu cực với Trung Quốc. Tất cả những biện pháp này sẽ có ích cho giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và thị trường tài chính.
Trump là một nhà tài phiệt
Mặc dù Trump tranh cử với tư cách là người theo chủ nghĩa dân túy luôn hướng về nhân dân nhưng về bản chất ông ấy là một nhà tài phiệt có thiên hướng thi hành các chính sách có lợi cho người giàu. Các chính sách kinh tế của ông đã gây hại đến người lao động Mỹ và khả năng cạnh tranh lâu dài của nền kinh tế. Các chính sách về thương mại và nhập cư được đưa ra nhằm khôi phục lại việc làm cho người lao động Hoa Kỳ đã cho kết quả ngược lại. “Cái chết của sự tuyệt vọng” xảy ra ở cả lực lượng lao động trí óc và lao động tay chân dưới thời Trump cầm quyền, với hơn 70,000 trường hợp tử vong do sử dụng thuốc quá liều vào năm 2019. Nếu muốn lấp đầy các công việc có mức lương cao trong tương lai, Mỹ cần đào tạo lực lượng lao động chứ không phải đi theo chủ nghĩa bảo hộ cực đoan và chủ nghĩa bài ngoại.
Sự lựa chọn dành cho các cử tri đang lo ngại về triển vọng kinh tế của Mỹ dường như không thể rõ ràng hơn nữa. Biden, người từ lâu đã dành sự quan tâm sâu sắc đến tầng lớp công nhân lao động, là ứng cử viên tổng thống hiếm hoi không tốt nghiệp từ các trường Ivy League. Ông có cơ hội tốt hơn bất kỳ ai trong việc xây dựng lại Liên minh trong Đảng Dân chủ và giành lại sự ủng hộ của các cử tri thuộc tầng lớp lao động chân tay. Đối với tất cả những người Mỹ quan tâm đến tương lai của họ và con cái họ, lựa chọn đúng đắn vào tháng 11/2020 theo tôi là không thể rõ ràng hơn.
Giới thiệu về Nouriel Roubini
Nouriel Roubini tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Bocconi và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Havard. Ông là một trong số rất ít những người dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Ông được mệnh danh là "Dr Doom" vì thường xuyên đưa ra những dự báo bi quan về thị trường tài chính cũng như kinh tế thế giới.
Nouriel Roubini là giáo sư kinh tế tại Đại học New York. Ông cũng là CEO (HN:CEO) của Roubini Macro Associates, LLC, công ty tư vấn kinh tế nằm ở New York và đồng sáng lập Rosa & Roubini Associates có trụ sở chính tại London.
Ông còn là chuyên gia cấp cao tại Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng trong thời gian ông Bill Clinton giữ chức Tổng thống Mỹ. Roubini cũng từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nguồn: Investopedia
Phòng Tư vấn Vietstock (Theo Project Syndicate)