Vietstock - 'Phó tướng' Trump - Biden tranh luận thiếu đột phá
Không có những lời phỉ báng gay gắt hay những pha ngắt lời hùng hổ, cuộc tranh luận Pence - Harris trái ngược với màn "so găng" hỗn loạn Trump - Biden tuần trước.
Mike Pence bắt đầu cuộc đấu ngày 7/10 bằng sự lịch thiệp khi nói rằng việc đứng cùng sân khấu với Kamala Harris là "đặc ân" vì bà là phụ nữ da màu đầu tiên được đề cử làm phó tổng thống. Đáp lại phát ngôn của Pence, Harris gật đầu mỉm cười và nói cám ơn.
Càng về sau, cuộc tranh luận càng nóng lên, Pence ngắt lời Harris một số lần khiến bà yêu cầu đối thủ để mình nói hết ý. Tuy nhiên, bầu không khí không đến mức sôi sục và người điều hành tranh luận vẫn có thể kiểm soát tình hình.
Phó tổng thống Mike Pence (trái) và ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris tại cuộc tranh luận ở Utah ngày 7/10. Ảnh: AFP.
|
Pence không chỉ là phó tổng thống của Trump, ông còn là lãnh đạo tổ công tác chống Covid-19 của Nhà Trắng. Vì vậy, Harris đã cố gắng tập trung vào vấn đề này. Mặc dù được hỏi Biden sẽ phản ứng với đại dịch như thế nào, Harris dành phần lớn thời gian trả lời để công kích phản ứng của chính quyền Trump, gọi đó là "thất bại lớn nhất của bất kỳ chính quyền tổng thống nào trong lịch sử đất nước".
Harris bày tỏ nghi ngờ khi Trump liên tục nói rằng Mỹ sẽ sớm có vaccine Covid-19, hàm ý rằng Tổng thống đang cố gắng sớm đưa ra vaccine như nỗ lực để cứu vãn chiến dịch tranh cử. Bà tuyên bố không tiêm chủng nếu vaccine được Tổng thống khuyến khích nhưng không được các cố vấn khoa học chấp nhận.
Phó tổng thống đáp trả lời công kích này, chỉ trích việc bà liên tục "làm xói mòn niềm tin của công chúng vào vaccine" là hành động "vô lương tâm". Ông yêu cầu bà "ngừng chơi trò chính trị với mạng sống người dân".
Tranh luận phó tổng thống vốn được đánh giá là ít quan trọng và ít ảnh hưởng đến kết quả chạy đua vào Nhà Trắng. Năm 2008, khi làm phó tướng cho Obama, Biden cũng thừa nhận cử tri không bỏ phiếu vì ứng viên phó tổng thống.
Dù vậy, nhiều người đã đặt kỳ vọng cao vào sự kiện năm nay. "Việc Trump nhiễm nCoV và tuổi tác cao của hai ứng viên là các yếu tố khiến nó có thể là cuộc tranh luận "phó tướng" quan trọng nhất trong lịch sử gần đây", Andy Sullivan, ký giả của Reuters, viết.
Biden, 77 tuổi, sẽ là tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử Mỹ nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và ông đã ám chỉ rằng ông có thể chỉ đảm nhiệm một nhiệm kỳ. Trump, 74 tuổi, đã dành cuối tuần tại bệnh viện quân y bên ngoài Washington sau khi nhiễm nCoV.
Vì vậy Pence, 61 tuổi và Harris, 55 tuổi, nhiều khả năng đảm nhận nhiều trách nhiệm của tổng thống hơn các ứng viên "phó tướng" khác. Pence còn gánh vác thêm gánh nặng khi ông đang phải đảm đương vị trí đầu tàu vận động tranh cử, vì Trump không thể tham gia các sự kiện và lãnh đạo chiến dịch cũng đã nhiễm nCoV.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc màn tranh luận, ký giả của Reuters Michael Martina đánh giá cuộc đối đầu khó có thể thay đổi quỹ đạo cuộc đua. Hai ứng viên phó tổng thống đã thể hiện được các quan điểm chính sách trái ngược nhưng những gì họ nêu ra không có nhiều điểm mới. Cả hai ứng cử viên đều né tránh một số câu hỏi khó và tránh những phát ngôn hớ hênh có thể gây dậy sóng truyền thông.
Harris đã làm tròn vai khi công kích Trump về các vấn đề y tế, kinh tế, biến đổi khí hậu và chính sách đối ngoại. Trong khi đó, Pence bảo vệ các chính sách và thành tựu 4 năm qua của chính quyền, nhấn mạnh Trump đã có động thái đóng biên từ sớm để ngăn Covid-19. Cả Pence và Harris đều tránh trả lời câu hỏi liệu người dân Mỹ có quyền được biết chi tiết về tình trạng sức khỏe của các ứng viên tổng thống hay không.
Phó tổng thống cũng không giải thích lý do Nhà Trắng tổ chức sự kiện đông người tại Vườn Hồng, trái với quy tắc tránh tụ tập ở thủ đô Washington cũng như hướng dẫn từ nhóm chuyên trách chống Covid-19 của ông. Ông nhấn mạnh buổi lễ diễn ra ngoài trời và bác bỏ nghi ngờ đây là sự kiện siêu lây nhiễm.
Trong khi đó, Harris cũng né tránh câu hỏi nếu trở thành tổng thống, Biden có đáp ứng lời kêu gọi trong đảng Dân chủ là tăng số ghế thẩm phán trong Tòa án Tối cao từ 9 lên 11 hay 13 ghế để phá vỡ cán cân đang nghiêng về phe bảo thủ hay không.
Pence là người ủng hộ trung thành của Trump và là một trong những người luôn thầm lặng "làm dịu" những tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống. Tổng thống Mỹ đã đặt biệt danh cho Pence là "người truyền thông điệp" vì ông luôn truyền tải các quan điểm của Trump mà không phàn nàn. Trong cuộc tranh luận, ông tiếp nối chiến thuật quen thuộc của Trump là công kích cá nhân Biden, nhưng chọn cách mỉa mai thay vì dùng ngôn từ gay gắt.
Khi Harris nói rằng chính quyền Biden sẽ tập trung vào "truy vết tiếp xúc, xét nghiệm, chú trọng vaccine và đảm bảo vaccine miễn phí cho tất cả mọi người", Pence cáo buộc Biden sao chép kế hoạch của chính quyền Trump, ẩn ý đến cáo buộc đạo văn đã "nhấn chìm" lần tranh cử tổng thống đầu tiên của Biden năm 1988. "Đây có vẻ là đạo văn - điều mà Joe Biden ít nhiều am hiểu", ông nói.
Giới phân tích đánh giá không ứng viên nào thực sự thắng thế trong màn tranh luận này. "Không bên nào giáng được đòn knock out. Harris lẽ ra có thể chỉ trích cách Trump xử lý Covid-19 sắc bén hơn. Còn về Pence, ông ấy đã dễ dàng chỉ trích các chính sách kinh tế mà đảng Dân chủ ủng hộ", Ayako Sera, chiến lược gia tại ngân hàng Sumitomo Mitsui ở Nhật, nói.
"Nếu Trump thực sự hồi phục và có thể tham gia vào cuộc tranh luận tổng thống thứ hai, sự ủng hộ cho ông ấy có thể tăng lên và cuộc đua có thể sít sao hơn. Nhưng hiện giờ, Biden vẫn duy trì thế thượng phong", Sera nói thêm.
"Pence đưa ra thông điệp tốt hơn Trump, nhưng tôi muốn xem Trump thể hiện như thế nào trong cuộc tranh luận tiếp theo. Có vẻ như Biden đang dẫn trước, nhưng tôi không tin tưởng vào các cuộc thăm dò dư luận", Akira Takei, quản lý tại công ty Asset Management One ở Tokyo, nói.
Phương Vũ