Vietstock - Nga sẽ kiểm soát các công ty nước ngoài muốn rời thị trường
Nga đang thúc đẩy một dự luật mới cho phép nước này kiểm soát hoạt động kinh doanh của các công ty phương Tây muốn rút khỏi thị trường.
Người dân đi qua một cửa hàng của Starbucks ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP
|
Theo hãng tin Reuters, dự luật có thể đi vào hiệu lực trong vòng vài tuần tới này sẽ trao cho Nga nhiều quyền lực để can thiệp vào hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia kinh doanh trên địa bàn.
Nga đã soạn thảo luật thu giữ tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài sau khi các công ty phương Tây như Starbucks, McDonald (NYSE:MCD)'s và AB InBev ngừng kinh doanh trên lãnh thổ Nga để phản đối chiến dịch tại Ukraine. Chính sách mới của Điện Kremlin đã gây thêm áp lực cho những công ty còn bám trụ ở Nga.
Dự luật nêu rõ cách thức Moskva có thể bổ nhiệm quản trị viên cho các công ty có ít nhất 25% cổ phần nằm trong tay quốc gia "không thân thiện". Dự luật đã được thông qua lần đầu tiên tại Hạ viện Nga trong tuần này và vẫn đang chờ Thượng viên phê duyệt, trước khi Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành.
Động thái này diễn ra khi nền kinh tế Nga - ngày càng bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu - rơi vào suy thoái và lạm phát lên đến hai con số.
Trước đó, Chính phủ Nga đã đưa ra 3 lựa chọn cho các công ty nước ngoài. Theo đó, các công ty có thể duy trì hoạt động đầy đủ tại Nga, hoặc có thể chuyển nhượng cổ phần cho các đối tác Nga quản lý và có thể trở lại sau, hoặc chấm dứt vĩnh viễn hoạt động tại Nga, đóng cửa sản xuất và sa thải nhân viên.
Theo giới phân tích, đây là lựa chọn khá khó khăn cho các công ty và nhà đầu tư, bởi nếu ở lại, họ sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội của các thị trường phương Tây, trong khi việc chuyển nhượng cổ phần cũng có nhiều rủi ro và việc rời khỏi Nga đồng nghĩa với khoản thua lỗ lớn.
Công ty cho vay UniCredit của Italy, ngân hàng Raiffeisen của Áo, thương hiệu đồ nội thất lớn nhất thế giới Ikea, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Burger King và hàng trăm công ty nước ngoài nhỏ hơn vẫn đang kinh doanh tại Nga. Bất cứ doanh nghiệp nào muốn rời đi đều phải đối mặt với lựa chọn khó khăn này.
Mặc dù đã tạm dừng mọi hoạt động ở Nga, Ikea cho biết họ đang theo sát diễn biến tình hình. Raiffeisen cho biết họ đang đánh giá tất cả các lựa chọn, trong đó có cả phương án rời khỏi thị trường Nga. Khi được phóng viên Reuters liên lạc, UniCredit đã từ chối bình luận trong khi Burger King chưa đưa ra câu trả lời.
Điều luật mới mở đường cho Moskva bổ nhiệm người quản lý tại các công ty do người nước ngoài ở các quốc gia "không thân thiện" làm chủ.
Moskva thường gọi các quốc gia là "không thân thiện" nếu họ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Điều đó có nghĩa là bất kỳ công ty nào trong Liên minh châu Âu hoặc Mỹ đều gặp rủi ro.
Hôm 25/5, Ủy ban châu Âu đã đề xuất lập trường cứng rắn cho rằng việc vi phạm các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga chính là hành vi phạm tội, cho phép các chính phủ EU tịch thu tài sản của những công ty và cá nhân trốn tránh trừng phạt nhằm vào Moskva.
Mặt khác, trong một động thái có thể đẩy Moskva đến gần bờ vực vỡ nợ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không gia hạn cơ chế miễn thanh toán nợ của Nga đối với các trái chủ Mỹ.
Chính phủ Nga vẫn còn phải đối mặt với hàng tá khoản nợ đáo hạn trong năm nay. Lần tiếp theo là ngày 27/5 với khoản thanh toán 100 triệu euro tiền lãi đối với hai trái phiếu: một yêu cầu thanh toán chỉ USD, euro, bảng Anh hoặc franc Thụy Sĩ; còn lại có thể được trả bằng rúp.
Tiếp đến, gần 400 triệu USD tiền lãi sẽ đến hạn vào cuối tháng 6 tới. Sau khoản thời gian ân hạn từ 15 - 30 ngày kể từ thời điểm lỡ hạn thanh toán, quốc gia này có thể sẽ bị tuyên bố là vỡ nợ, làm xấu đi tình hình tài chính trong nước và cho phép các chủ nợ thực hiện hành động pháp lý để thu hồi tiền.
Hoàng Trang