Vietstock - “Nếu chỉ vì Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm cho Huawei mà Trung Quốc phải nhượng bộ thương mại thì Huawei không cần”
Trong ngày thứ Ba (20/08), nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi, cho biết ông không mong Mỹ nới lỏng lệnh cấm đối với Huawei vì môi trường chính trị ở Washington, nhưng cũng bày tỏ niềm tin Huawei sẽ phát triển thịnh vượng vì họ đang tự phát triển công nghệ.
Ông Nhậm Chính Phi cho biết ông không muốn được Mỹ nới lỏng lệnh cấm nếu nó đòi hỏi Trung Quốc phải nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, thậm chí cho dù con gái ông – bà Mạnh Vãn Chu – phải đối mặt với rắc rối pháp lý trong thời gian dài hơn.
Nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi |
Trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở Huawei ở Thâm Quyến, ông Nhậm cho biết Huawei kỳ vọng Mỹ sẽ triển khai lệnh cấm mặc dù vừa mới công bố trì hoãn thêm 90 ngày hôm thứ Hai (19/08).
Chính những công ty Mỹ bán chip và linh kiện cho Huawei chịu tác động nặng nề nhất từ lệnh cấm, ông nói.
Hồi tháng 5/2019, Washington đã thêm Huawei vào danh sách đen (hay còn gọi là danh sách thực thể), theo đó ngăn chặn các công ty Mỹ làm ăn với Huawei trừ khi họ được cấp giấy phép đặc biệt.
“Cho dù danh sách thực thể có được mở rộng hay không, điều đó sẽ không tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của Huawei”, ông Nhậm cho biết. “Chúng tôi có thể làm tốt mà không cần phụ thuộc vào công ty Mỹ”.
Huawei Technologies – thương hiệu công nghệ toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc – đang là tâm điểm trong cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung. Các quan chức Mỹ cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ và tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Tuy nhiên, Huawei đã phản bác các cáo cuộc này.
Ông Nhậm Chính Phi trông có vẻ thoải mái và tự tin trong suốt hai giờ phỏng vấn tại một tòa nhà nguy nga theo phong cách châu Âu của Huawei.
Bầu không khí có lẽ khác hẳn với thời điểm ngày 17/06/2019. Còn nhớ, tại thời điểm đó, ông Nhậm còn so sánh công ty với “một chiếc máy bay đang bị hư hỏng nặng” và cảnh báo lệnh cấm của Mỹ có thể khiến doanh thu điện thoại thông minh của Huawei giảm 30 tỷ USD trong vòng 2 năm tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất Mỹ có thể gỡ bỏ lệnh cấm đối với Huawei nếu Bắc Kinh đồng ý thỏa thuận về thương mại và công nghệ.
Nhà sáng lập Huawei liền phản đối ý tưởng đó. Ông Nhậm cho biết Huawei không hề trông mong một điều có thể gây tổn hại đến lợi ích của phần lớn người nghèo ở Trung Quốc.
“Tôi không thể làm điều đó nếu những người dân nghèo phải hy sinh lợi ích vì lợi ích của Huawei”, ông Nhậm cho biết. “Có thể con gái tôi sẽ phải tổn thương nhiều hơn. Nhưng tôi thà làm vậy còn hơn bắt người dân nghèo ở Trung Quốc phải hy sinh vì sự tồn tại và phát triển của Huawei”.
Ngay cả trước khi Mỹ thông báo đưa Huawei vào danh sách đen, “gã khổng lồ” Trung Quốc này đã tự phát triển chip và công nghệ riêng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty Mỹ. Trong năm 2018, Huawei chi ra 15 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển, còn nhiều hơn cả Apple (NASDAQ:AAPL) và Microsoft (NASDAQ:MSFT).
Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Huawei tăng trưởng 23.2% so với cùng kỳ năm trước. Hồi tháng 7/2019, Chủ tịch Liang Hua của Huawei cho biết Công ty đang đánh giá lại các sản phẩm cốt lõi để đảm bảo chúng có thể được chuyển đến tay người tiêu dùng mà không cần đến linh kiện Mỹ.
“Ở cấp độ chiến lược, danh sách đen của Mỹ thực sự có ích cho Huawei”, ông Nhậm cho biết. Nhà sáng lập Huawei cho biết Công ty đang phản ứng bằng cách loại bỏ những mảng kinh doanh và sản phẩm không quan trọng và tập trung nguồn lực vào các sản phẩm chính.
“Toàn bộ công ty có thể tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao nhất”, ông nói.
Trong tháng này, Huawei tung ra hệ điều hành mới có thể thay thế Android của Google (NASDAQ:GOOGL) trong trường hợp Google không cho Huawei tiếp cận đến hệ điều hành Android.
Trước đó trong năm nay, Huawei tung ra dòng chip cho điện thoại thông minh thế hệ kế tiếp và là dòng điện thoại đầu tiên của Huawei sử dụng con chip do chính họ sản xuất.
Trước khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt trong tháng 12/2018, ông Nhậm hiếm khi xuất hiện trước công chúng hoặc trao đổi với các phóng viên. Sau này, ông lại thực hiện hàng loạt đợt phỏng vấn với các phóng viên nước ngoài nhằm bảo vệ danh tiếng của Huawei.
“Tôi nghĩ điều này đang mang lại hiệu quả cho Huawei”, ông nói.
Khi được hỏi về các vụ biểu tình ở Hồng Kông, ông Nhậm cho biết xung đột không tốt cho xã hội và người dân, nhưng cũng chẳng ảnh hưởng đến Huawei.
“Điều đó chẳng tác động tới hoạt động kinh doanh của Huawei một chút nào”, ông nói. “Chúng tôi vẫn đang tập trung vào hoạt động sản xuất, chúng tôi vẫn tập trung vào việc khỏa lấp những lỗ hổng trên chiếc may bay đầy vết đạn của mình”.
Ông Nhậm – người tự nhận là fan của nước Mỹ và công khai khen ngợi ông Trump – cho biết Huawei vẫn muốn duy trì hợp tác công nghệ với Google, Microsoft và các nhà phát triển khác của Mỹ.
Ông Nhậm nói thêm, vị thế thị trường của Huawei càng mạnh sẽ càng có ích cho các công ty Mỹ vì các sản phẩm của Huawei sử dụng công nghệ Mỹ.
Nếu Huawei không thể sử dụng Android và bị buộc phải phát triển hệ thống thay thế, “đó cũng chẳng phải điều Mỹ muốn”, ông Nhậm cho biết.
Ông nói thậm chí nếu Huawei phát triển các phương án thay thế, họ vẫn sẵn lòng mua linh kiện Mỹ để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghệ.
“Chúng tôi hy vọng có thể và sẽ tiếp tục mua linh kiện từ Mỹ”, ông nói. “Mặc dù chúng tôi có khả năng tung ra linh kiện hoặc sản phẩm của chính mình, chúng tôi vẫn sẽ chọn sử dụng linh kiện Mỹ nhiều hơn nhằm cùng nhau đóng góp vào sự thịnh vượng của xã hội”.
Ông Nhậm Chính Phi cho biết Huawei đang hành động như thể Mỹ đã triển khai lệnh cấm.
Vũ Hạo (Theo SCMP)