Vietstock - Nền kinh tế Mỹ ra sao dưới thời Donald Trump?
Vào thời điểm 3 tháng trước, CNNMoney đã kiểm tra 6 thước đo để xem xét tình hình hoạt động của nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Giờ là lúc để đánh giá lại nền kinh tế Mỹ đang hoạt động như thế nào.
Nhiều phần của nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động rất tốt, đặc biệt là về tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh và việc các chỉ số chứng khoán chính liên tục lên mức cao kỷ lục. Ngoài ra, thị trường nhà ở cũng là một điểm sáng khác. Và khoản thâm hụt thương mại đang được thu hẹp.
Đây là cái nhìn chi tiết hơn về nền kinh tế Mỹ sau 200 ngày Donald Trump nhậm chức Tổng thống.
1. Thị trường việc làm
Rất khó để tìm thấy những điểm tiêu cực trong báo cáo việc làm mới nhất. Tỷ lệ thất nghiệp là 4.3%, mức thấp nhất trong 16 năm. Nền kinh tế đã có thêm 1 triệu việc làm kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Tuy nhiên, tiền lương vẫn chưa thực sự tăng trưởng mạnh. Nhà tuyển dụng vẫn chưa cảm thấy cần đưa ra mức lương cao hơn để thu hút người lao động cần thiết. Thu nhập mỗi giờ làm việc chỉ tăng 2.5% trong 12 tháng vừa qua. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) muốn thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương ở mức 3-3.4%.
Dẫu vậy, vì tỷ lệ lạm phát đang ở mức thấp nên mức gia tăng trong tiền lương này vẫn có thể hỗ trợ nhiều người dân Mỹ.
2. Giá nhà ở
Thị trường nhà ở đang tăng trưởng nóng.
Cụ thể, trong tháng 6/2017, giá bình quân cho một căn nhà đang ở mức kỷ lục 263,800 USD (tức tăng 6.5% so với cùng kỳ năm trước). Đà tăng trong tháng 6 đã đánh dấu 64 tháng leo dốc liên tiếp của thị trường này.
Và người dân vẫn có thể vay tiền để mua nhà với mức lãi suất tương đối thấp, bất chấp vài lần nâng lãi suất gần đây của Fed. Lãi suất thế chấp bình quân kỳ hạn 30 năm chỉ ở mức 3.93%, thấp hơn mức 4.02% so với thời điểm 3 tháng trước, theo Freddie Mac.
3. Hoạt động cho vay
Những người tiêu dùng không chỉ vay tiền để mua nhà. Họ còn sử dụng tiền vay mượn để mua xe và sử dụng thẻ tín dụng để sắm nhiều thứ khác.
Khoản nợ của người Mỹ ở mức 3.843 ngàn tỷ USD trong tháng 5/2017, cao hơn mức 3.766 ngàn tỷ USD vào cuối năm 2016, dữ liệu từ Fed cho thấy.
Và các doanh nghiệp còn vay nhiều hơn nữa, đảo ngược xu hướng của năm trước đó. Đây có thể là một tín hiệu tốt cho Donald Trump và nền kinh tế Mỹ. Chỉ riêng người tiêu dùng thì không thể thúc đẩy nổi nền kinh tế Mỹ mà cũng cần tới các khoản đầu tư của các công ty.
4. Chi tiêu tiêu dùng
Các cửa hàng lớn bao gồm Macy's, Kohl's, và J.C. Penney sẽ công bố báo cáo lợi nhuận trong tuần này, và kết quả có thể khá tồi tệ.
Sự thống trị của Amazon là một trong những lý do gây ra điều trên. Tuy nhiên, cũng có thể là do người Mỹ chi tiêu ít hơn cho quần áo, đồ chơi và các hàng hóa có giá trị nhỏ khác – mặc dù họ đang vay nợ nhiều hơn.
Doanh số bán lẻ hạ 0.2% trong tháng 6/2017. Các chuyên gia kinh tế đang kỳ vọng sẽ có sự tăng nhẹ. Và tổng chi tiêu tiêu dùng tiến chỉ 0.1% trong tháng 6/2017.
Khoản chi tiêu đã tăng 2.8% trong vòng 12 tháng vừa qua, thấp hơn một chút so với mức mà nhiều chuyên gia cho là cần thiết để giúp nền kinh tế đi đúng định hướng là 3%.
5. Thương mại
Ông Trump muốn có nhiều người tiêu dùng – ở Mỹ và trên khắp thế giới – mua hàng của Mỹ. Và dường như điều đó bắt đầu xảy ra.
Trong tháng 6/2017, thâm hụt thương mại giảm nhẹ xuống mức 43.6 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ.
Sự tăng trưởng bất ngờ của ngành dầu Mỹ là lý do chính thúc đẩy cán cân thương mại dịch chuyển. Nhờ có các công nghệ khai thác dầu mới, Mỹ có thể xuất khẩu nhiều dầu hơn và nhập khẩu ít hơn trong tháng 6/2017.
Kim ngạch xuất khẩu tới Canada và Mexico cũng tăng trong tháng 6, một dấu hiệu cho thấy các nhận định cứng rắn của ông Trump với 2 đối tác thương mại Bắc Mỹ đang tỏ ra hiệu quả.
Tuy nhiên, khoản thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại. Cụ thể, khoản thâm hụt với Trung Quốc đã tăng hơn 6% trong năm nay.
6. Thị trường chứng khoán Mỹ
Thành quả của thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay đã xua tan những lo sợ thị trường sẽ sụp đổ dưới thời Donald Trump.
Cụ thể, Dow Jones đã lập kỷ lục 9 phiên liên tiếp và hiện đang tăng 12% trong năm 2017.
Và các cổ phiếu bluechip đang tụt lại ở phía sau. Nasdaq Composite vọt gần 20% nhờ đà tăng mạnh của nhóm FAANG – muốn nhắc tới Facebook, Amazon, Apple, Netflix và công ty mẹ của Google là Alphabet.
Hiện nay, Phố Wall sẵn lòng bỏ qua mọi lùm xùm trong chính quyền Donald Trump. Nhà đầu tư đang hy vọng sẽ có sự thay đổi trong hệ thống thuế và nới lỏng quy định tài chính như lời hứa của Donald Trump.