Vietstock - Lý do nhiều tỷ phú Mỹ càng giàu thêm nhờ Covid-19
Đại dịch kéo theo suy thoái kinh tế, thay đổi tương lai tài chính của hàng triệu người Mỹ, nhưng nhiều tỷ phú Mỹ không nằm trong số này.
Jeff Bezos là người đầu tiên thế giới có tài sản vượt mốc 200 tỷ USD. Ảnh: Reuters
|
Theo nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Chính sách ( IPS), trong sáu tháng phong tỏa nhiều nơi vì đại dịch, tính từ 18/3 đến 15/9, các tỷ phú Mỹ đã giàu có hơn 29% so với trước khi đại dịch bắt đầu, làm tê liệt nền kinh tế Mỹ vào tháng 3.
Chỉ riêng Elon Musk đã kiếm được hơn 67,4 tỷ USD trong khoảng thời gian đó, với giá trị tài sản ròng tăng 273,8%. Mark Zuckerberg có thêm 49,9 tỷ USD (tăng 83,9%), trong khi Jeff Bezos kiếm được nhiều tiền đến mức vào tháng 8, ông đã nhanh chóng trở thành người đầu tiên trong lịch sử có tài sản ròng cá nhân trên 200 tỷ USD.
Mặc dù tổng số người Mỹ thất nghiệp đã giảm so với mức cao nhất trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc vẫn là 8,4%. Đồng thời, 29 triệu người trưởng thành cho biết hộ gia đình của họ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên không đủ ăn. 15 triệu người thuê nhà đang chậm chi trả, ngày càng có nhiều công nhân lo sợ có thể không bao giờ có lại được việc làm trước kia.
"Một cách để suy nghĩ về nền kinh tế hiện tại là hai xu hướng đang tăng lên khá vững chắc", Nhà kinh tế học, Tiến sĩ Jared Bernstein nhận định ngày 10/9. Theo ông, "một là thị trường chứng khoán, và một là nạn đói".
Nhiều tỷ phú tăng giá trị tài sản ròng là do kết quả của cổ phiếu họ tăng giá trên thị trường chứng khoán, vốn đã đạt mức cao kỷ lục bất chấp sự hỗn loạn trong phần còn lại của nền kinh tế kể từ đợt suy giảm đầu tiên vào tháng 2. Chẳng hạn, tài sản của Musk tăng chóng mặt gần như hoàn toàn do giá cổ phiếu Tesla tăng đột biến.
Các nhà kinh tế lo ngại rằng thành công gần đây của các tỷ phú cho thấy rằng, trong khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và bán lẻ đang phục hồi, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động lương thấp trong các ngành dịch vụ du lịch, giải trí và ẩm thực có thể không.
"Đây là một sự phục hồi hình chữ K, nghĩa là nó đang tạo ra trải nghiệm rất khác nhau với những người ở trên cùng so với những người ở giữa và dưới cùng", ông Bernstein, "Lĩnh vực tài chính hiện đang gặt hái nhiều thành công".
Một số ý tưởng đã được đề xuất để giúp cân bằng sự phục hồi, từ tung thêm gói kích thích liên bang đến các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn. Bên cạnh nhà kinh tế học Jared Bernstein, các chuyên gia như Tiến sĩ Emmanuel Saez (University of California, Berkeley), Elizabeth Warren (Thượng nghị sỹ Massachusetts) cũng như các chính trị gia và một số nhà hoạt động khác đang muốn kêu gọi đánh thuế tài sản người giàu để giúp bù đắp sự thiếu hụt ngân sách do đại dịch gây ra ở các bang như New York.
Tuy nhiên, những người phản đối thì cho rằng thuế tài sản sẽ quá khó thực thi và không bao giờ có thể được thực hiện kịp thời. "Những người giàu đã và đang tích lũy thu nhập của họ và hiện chất đống của cải vì cuộc khủng hoảng đã hạn chế cơ hội chi tiêu của họ", Chuyên gia Emmanuel Saez bình luận.
Phiên An (theo Business Insider)