Vietstock - Kinh tế Indonesia trở nên mong manh hơn khi phụ thuộc vào Trung Quốc
Đại dịch COVID-19 đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Indonesia và đây là hồi chuông cảnh tỉnh để Chính phủ Indonesia nhận ra không nên phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ quốc gia nào.
Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 1/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
|
Tại buổi ra mắt cuốn sách "Đại dịch suy thoái: Tương lai của nền kinh tế toàn cầu và quốc gia" ngày 13/7, Trưởng Ban điều phối Đầu tư Indonesia (BKPM) Bahlil Lahadalia cho biết, hiện nay kinh tế Indonesia đang phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, bao gồm cả về đầu tư. Sự phụ thuộc này cần được sớm xem xét, đánh giá lại do những tác động bất lợi tới nền kinh tế nước này.
Theo ông Bahlil Lahadalia, sự phụ thuộc lớn vào Bắc Kinh làm cho nền kinh tế Indonesia trở nên "mong manh" hơn, bằng chứng là khi kinh tế Trung Quốc trì trệ, nền kinh tế Indonesia cũng đang chậm lại. Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 1%, thì tăng trưởng kinh tế của Indonesia cùng lúc giảm 0,3%.
Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại số một của Indonesia, với tổng giá trị thương mại song phương là 72,8 tỷ USD trong năm 2019, theo số liệu của Bộ Thương mại Indonesia. Cũng trong năm 2019, Trung Quốc đã tăng gấp đôi đầu tư vào Indonesia, lên 4,7 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Indonesia, sau Singapore.
Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng vốn và các dự án lớn như cơ sở hạ tầng và sản xuất, theo BKPM. Hơn 1 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong năm ngoái; lĩnh vực giao thông vận tải và viễn thông thu hút các khoản đầu tư lớn nhất.
Tâm lý “bài Trung” gia tăng một phần là do ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tại Indonesia. Một số người cáo buộc rằng các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc đã bị nhiễm khuẩn, trong khi một số người khác lo ngại rằng người lao động Trung Quốc đang đảm nhận hầu hết các công việc tại Indonesia.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở quốc gia Đông Nam Á này, tâm lý này càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Một số người bảo thủ tôn giáo đã kêu gọi các sắc lệnh tôn giáo (fatwa) để cấm người Indonesia gốc Trung Quốc và công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Indonesia.
Bài viết đăng trên The Asean Post nhận định rằng tình hình này có thể có tác động tiêu cực đến mối quan hệ Trung Quốc-Indonesia đang phát triển. Indonesia được cho là sẽ hưởng lợi từ việc tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), bởi nước này là một trong những đầu mối trong các tuyến hàng hải theo kế hoạch sẽ kết nối Trung Quốc với các quốc gia châu Phi, Trung Đông và châu Âu.
Tuy nhiên, nếu tâm lý phản đối Trung Quốc vẫn còn hoặc thậm chí gia tăng ở Indonesia, điều này sẽ tạo ra một môi trường bất lợi cho các dự án và đầu tư của Trung Quốc ở nước này. Bên cạnh đó, việc này cũng có thể cản trở các nỗ lực của Chính phủ Indonesia trong việc cải thiện nền kinh tế của đất nước, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Indonesia cần đưa ra các chiến lược và tự đánh giá bản thân để không quá phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Mặt khác, việc Indonesia cần duy trì mối quan hệ tốt với các quốc gia khác như Mỹ và Nhật Bản cũng rất quan trọng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, dù muốn hay không, Trung Quốc đang trở thành một trong những cường quốc thế giới không thể bỏ qua, kể cả Indonesia.
Những người trẻ tuổi biết rằng, nền kinh tế Trung Quốc chiếm gần 18% nền kinh tế toàn cầu, trong khi đó kinh tế Mỹ chiếm khoảng 25%. Là một quốc gia tự do và năng động, Indonesia thực sự phải xây dựng mối quan hệ tốt với tất cả các quốc gia và điều đó đã được thực hiện để hỗ trợ sức mạnh của Indonesia.
Mới đây, Chính phủ Indonesia quyết định hạ chỉ tiêu thu hút đầu tư năm 2020 xuống còn 817.000 tỷ rupiah (57,5 tỷ USD), từ mức 886.000 tỷ rupiah (61,2 tỷ USD) trước đó do tác động của đại dịch COVID-19. Theo đó, trong quý I/2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư của Indonesia - đã giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 98.000 tỷ rupiah (6,7 tỷ USD).
Nhiều quốc gia đã áp dụng các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, từ đó kìm hãm các hoạt động kinh tế như thương mại và đầu tư. Điều này cũng gây khó khăn cho Indonesia trong việc thu hút vốn đầu tư mới.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), tỷ lệ đóng góp của vốn đầu tư trong tăng trưởng kinh tế quốc gia chỉ tăng 1,7% trong quý I/2020, so với mức tăng hơn 4% mỗi năm trong quý IV/2019. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư đã tăng 8% lên mức 210.700 tỷ rupiah (14,5 tỷ USD), trong đó đầu tư trong nước chiếm 112.700 tỷ rupiah (7,7 tỷ USD).
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ tiếp tục giảm, với mức giảm 5,1% trong quý II/2020 do tác động của đại COVID-19. Bà Sri Mulyani cho biết, xu hướng giảm của nền kinh tế toàn cầu đang nhanh chóng lan sang nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, gây gián đoạn cung-cầu.
Chính phủ Indonesia đang sử dụng ngân sách nhà nước năm 2020 làm công cụ chính để ứng phó với tác động của đại dịch và cho chương trình Phục hồi nền kinh tế quốc gia (NRP).
Bộ Tài chính Indonesia cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, thâm hụt ngân sách ở mức 1,57% GDP, phù hợp với sự suy giảm nguồn thu do suy thoái kinh tế. Trong khi đó, chi tiêu của Chính phủ vẫn tăng trưởng tích cực nhằm hỗ trợ giải quyết các động của đại dịch COVID-19.
Cũng theo Bộ trên, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ được cải thiện và sự ổn định kinh tế vĩ mô vẫn sẽ được duy trì. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 được dự báo đạt mức dương nhờ chương trình NRP - vốn được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm do nhu cầu toàn cầu thấp. Trong khi đó, lạm phát sẽ tăng dần khi tiêu dùng phục hồi.
Giá đồng nội tệ rupiah dự kiến sẽ tăng, phù hợp với sự ổn định kinh tế vĩ mô và dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, Indonesia vẫn phải cảnh giác với các rủi ro từ biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Giá dầu vẫn có nguy cơ biến động do ảnh hưởng của cung cầu thế giới và các yếu tố địa chính trị.
Trước đó, các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế của Indonesia. Điều này cho thấy sự không chắc chắn cao, đặc biệt là trong năm 2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ ở mức -0,3% trong năm nay và Ngân hàng Thế giới (WB) đề cập đến mức tăng trưởng bằng không.
Đình Ánh