Vietstock - Hãng xe đạp lớn nhất thế giới sản xuất không kịp bán mùa dịch.
Nhu cầu xe đạp tăng vọt trong mùa dịch khiến nhà sản xuất lớn nhất thế giới về mặt hàng này tiếp tục khan hiếm nguồn cung.
Do Covid-19, các phòng gym đóng cửa, di chuyển bằng xe buýt và tàu điện hạn chế, các phương thức vận động ngoài trời được ưu tiên...khiến doanh số bán xe đạp tăng vọt trên khắp thế giới. Kết quả là xe đạp thiếu hụt khắp nơi. Giant, nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, dự kiến nguồn cung của họ sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018, Giant đã chuyển một số hoạt động sản xuất dành cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc đến trụ sở chính của công ty ở Đài Loan để tránh bị áp thuế. Năm tiếp theo, Liên minh châu Âu áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp điện từ Trung Quốc. Vì vậy, Giant cũng bắt đầu sản xuất xe đạp điện ở Đài Loan.
Nhưng đại dịch bùng phát khiến nhu cầu về xe đạp tăng vọt, Giant lại phải đảo ngược hoạt động. Vì cơ sở tại Đài Loan quá tải, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường sản xuất ở Trung Quốc, dù điều này khiến công ty phải chịu thêm chi phí thuế quan.
"Không có nơi nào khác trên thế giới như Trung Quốc có thể tăng tốc từ 0 lên 100 ngay lập tức như một chiếc ôtô thể thao," Bonnie Tu, Chủ tịch của Giant, nhận xét.
Năm nay, chính quyền Trump đã tạm thời dỡ bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc được coi là không quan trọng về mặt chiến lược. Xe đạp lọt vào danh sách này, giúp Giant dễ dàng trở lại sản xuất một số mẫu xe đạp của họ cho thị trường Mỹ tại Trung Quốc.
Một công nhân đang làm việc trong nhà máy của Giant tại Đài Trung, Đài Loan. Ảnh: NYT.
|
Tuy nhiên, lệnh tạm dừng thuế quan đối với một số loại xe đạp đã hết hạn trong tháng này, nghĩa là Giant lần nữa có thể điều chỉnh lại chuỗi cung ứng. "Tôi không muốn rời Trung Quốc. Không hề ", bà Tu nói nhưng vấn đề là hiện có quá nhiều rào cản thương mại khiến họ bị mắc kẹt giữa hai cường quốc.
Giant đã nổi tiếng từ nhiều thập kỷ trước, khi sản xuất xe đạp cho thương hiệu Schwinn mang tính biểu tượng của Mỹ. Sau đó, công ty trở thành một thế lực đúng nghĩa trong ngành xe đạp toàn cầu. Khi Trung Quốc bắt đầu thay thế Đài Loan trở thành trung tâm sản xuất, Giant mở các nhà máy ở đó trong khi vẫn giữ một nhà máy gần Đài Trung. Ngày nay, công ty điều hành 5 nhà máy ở Trung Quốc, chiếm 70% sản lượng.
Giant đã đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc trong 1,5 tháng khi Covid-19 bùng phát ở nước này. Sau đó, châu Âu và Mỹ cũng bắt đầu phong tỏa, các nhà nhập khẩu đã hủy đơn đặt hàng.
Bà Tu cho biết, doanh số bán hàng tại Mỹ bắt đầu tăng trở lại vào tháng 3. Hiện nay tất cả nhà máy của Giant đang hoạt động gần như hết công suất. Tuy nhiên, bất chấp mọi người đổ xô đi mua xe đạp, bà vẫn bình tĩnh không tăng thêm quy mô sản xuất. Nữ lãnh đạo này chưa tin rằng, tình yêu mới mà thế giới dành cho xe đạp có thể tồn tại lâu hơn đại dịch. "Mọi sự bùng nổ sẽ kết thúc vào một ngày nào đó," bà nói vấn đề chỉ là sớm hay muộn.
Cách làm ăn cẩn thận của bà Tu được chứng minh bằng chính cách sống vô tư của bà. Ở tuổi 70, bà tràn đầy năng lượng và tinh thần phấn chấn. Bà đạp xe ba lần một tuần và đã hoàn thành bốn vòng quanh đảo Đài Loan. Bà cũng tự hào rằng đã hoàn thành ba môn phối hợp lần đầu ở tuổi 60.
Bà Bonnie Tu, Chủ tịch của Giant năm nay 70 tuổi, đi xe đạp 3 lần mỗi tuần. Ảnh: NYT
|
Giống như bất kỳ người đi xe đạp cự ly giỏi nào, bà Tu biết cách tự điều chỉnh tốc độ. Bà chẳng hề lo việc các đối thủ Trung Quốc có thể cố gắng tranh thủ đẩy mạnh xe đạp giá rẻ. Đại dịch đã làm sống lại một trong những thị trấn sản xuất xe đạp lớn nhất Trung Quốc, nơi đã phải ngừng hoạt động vào năm ngoái sau khi bong bóng chia sẻ xe đạp của nước này nổ tung.
Bà Tu cho biết cảm thấy khó hiểu tại sao các chủ doanh nghiệp Trung Quốc dường như tin rằng khách hàng của họ chỉ quan tâm đến giá cả chứ không phải chất lượng. "Họ sẵn sàng chi hàng chục nghìn euro để uống một chai rượu vang đỏ," bà nói. "Tại sao họ nghĩ người khác sẵn lòng đi một chiếc xe đạp 60 USD?"
Mối quan tâm của bà, khi nhắc đến Trung Quốc, chỉ là duy trì lực lượng lao động của Giant. Sự quan tâm của giới trẻ đối với các công việc trong nhà máy đang giảm dần. Hiện tại, việc tuyển dụng ở Trung Quốc có vẻ khó khăn, mặc dù tình trạng sa thải nhân sự diễn ra phổ biến.
"Trước đây, nếu chúng tôi muốn thuê một công nhân ở Trung Quốc, sẽ có ba người xếp hàng. Bây giờ, nếu bạn đang tìm kiếm ba người, thật tuyệt nếu có thậm chí một người xếp hàng", bà Tu nói.
Bà cho biết Giant đang cố gắng tìm ra cách sử dụng tốt nhất các nguồn lực của Trung Quốc trong bối cảnh hỗn loạn địa chính trị. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump hủy bỏ cuộc chiến thương mại của mình vào ngày mai? "Tất nhiên là chúng tôi sẽ quay trở lại Trung Quốc. Chắc chắn rồi", bà nói, cười.
Giant gần đây đã mở một nhà máy ở Hungary và đặt mục tiêu sản xuất 300.000 chiếc xe đạp tại đó vào năm tới. Nhiều nhà sản xuất khác đã thành lập nhà máy tại Việt Nam. Nhưng với Giant, thị trường Đông Nam Á không đủ lớn để tiếp cận.
Vậy một nhà máy của Giant ở Mỹ thì sao? "Tôi nghĩ không nên nói rằng không có khả năng này", bà nói kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu thì "mọi thứ đều có thể xảy ra". Tuy nhiên, ý tưởng này sẽ rất khó và nếu muốn thì phải cần robot.
"Nếu chúng ta có thể tự động hóa nhiều hơn sẽ có cơ hội lớn hơn. Trong điều kiện tự động hóa ngày nay, tôi nghĩ rằng hoàn toàn không có cơ hội", bà nhận xét.
Phiên An