Vietstock - Hàng ngàn việc làm bị cắt giảm trong 1 ngày: Tín hiệu đáng ngại về kinh tế Mỹ
Chỉ trong vòng 24 giờ, hàng ngàn việc làm bị cắt giảm từ các công ty lớn là một tín hiệu đáng e ngại cho đà hồi phục của thế giới và xuất hiện ngay trước khi hai báo cáo quan trọng cho thấy thị trường lao động Mỹ tăng trưởng chậm chạp.
Là một trong những đợt sa thải nhân sự lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 đóng sầm cánh cửa hoạt động của các doanh nghiệp, Walt Disney cho biết sẽ cắt giảm 28,000 người lao động trong mảng kinh doanh khu nghỉ dưỡng đang sa sút tại Mỹ. Vài giờ sau đó, nhịp độ cắt giảm nhân sự ở một số công ty lớn nhất thế giới trong nhiều ngành khác nhau – từ năng lượng cho đến tài chính – được đẩy nhanh.
Trong ngày thứ Tư (30/09), Allstate – công ty bảo hiểm xe hơi lớn thứ 4 tại Mỹ – cho biết sẽ cắt giảm 3,800 việc làm, gần 8% lực lượng lao động của công ty. Bloomberg đưa tin Goldman Sachs dự định cắt giảm khoảng 400 việc làm sau khi tạm ngưng kế hoạch cắt giảm lao động trước đó.
Các thông báo sa thải nhân sự trên cho thấy những thách thức đang đè nặng lên đà hồi phục vốn đã chậm lại sau tháng 6/2020. Các chuyên gia dự báo số đơn nộp trợ cấp thất nghiệp Mỹ vẫn còn cao hơn mức trước dịch rất nhiều, trong khi báo cáo việc làm – sẽ được công bố vào ngày 01/10 – được dự báo cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ít việc làm hơn so với tháng 8/2020.
“Lúc đầu, ngành mất nhiều việc làm nhất là những ngành liên quan đến dịch vụ, nhưng trong bất kỳ cuộc suy thoái kinh tế nào, bạn sẽ thấy thêm những đợt sa thải nhân sự vì các tập đoàn cố gắng bảo vệ biên lợi nhuận”, Brett Ryan, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Deutsche Bank Securities, cho hay.
Không chỉ các công ty Mỹ sa thải nhân sự. Royal Dutch Shell Plc thông báo cắt giảm tới 9,000 việc làm khi cú sụp của giá dầu buộc ông lớn dầu khí này phải cắt giảm chi phí, trong khi nhà cung ứng phụ tùng xe hơi của Đức đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc, trong đó cắt giảm hoặc chuyển dịch 30,000 việc làm trên thế giới.
Thêm sự hỗ trợ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn chưa có dấu hiệu dừng lại và các nhà làm luật tại Mỹ chưa thể tiến tới thỏa thuận về gói cứu trợ, nhiều chỉ số của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể vẫn còn ở mức yếu thêm một khoảng thời gian.
Trong ngày 30/09, có những dấu hiệu cho thấy triển vọng bi quan từ các doanh nghiệp Mỹ đã hối thúc các quan chức nối lại đàm phán về gói kích thích. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vẫn chưa tiến tới một thỏa thuận trong cuộc họp kéo dài hơn 90 phút hôm 30/09 và cho biết họ sẽ tiếp tục đàm phán.
Các hãng hàng không Mỹ chuẩn bị sa thải hàng chục ngàn người lao động từ ngày 01/10 nếu không có thêm hỗ trợ từ Chính phủ liên bang. American Airlines cảnh báo có thể phải cho nghỉ phép không lương đối với 19,000 nhân viên, trong khi United Airlines dự tính cắt giảm 12,000 việc làm.
Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu cho thấy thị trường lao động của Mỹ đang dần dần cải thiện ở một số lĩnh vực nhất định khi nhu cầu tăng mạnh từ mức đáy trong đại dịch. Các công ty Mỹ tạo thêm 749,000 việc làm trong tháng 9/2020, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu ADP trong ngày 30/09.
Các chỉ báo về đà hồi phục của nền kinh tế cũng được xét tới trong quyết định sa thải nhân sự của Allstate trong ngày 30/09. Hãng bảo hiểm này đã hoãn kế hoạch sa thải nhân sự từ giai đoạn đầu của dịch bệnh.
“Chúng tôi đang chờ đợi thêm cho đến khi nhận thấy nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại”, Giám đốc điều hành Allstate Tom Wilson cho biết qua điện thoại. “Chúng tôi lẽ ra đã thực hiện sa thải trước đó”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)