G7 và Australia đã đi đến quyết định đặt giá trần cố định với dầu Nga nhằm hạn chế doanh thu của Moscow và tránh làm gián đoạn thị trường. Vào hôm 3/11, nguồn tin của Reuters cho biết, G7 và Australia đã đồng ý đặt ra một mức giá cố định đối với dầu Nga khi đang hoàn thiện kế hoạch giá trần vào cuối tháng này.
Các quan chức Mỹ và G7 đã đàm phán căng thẳng trong những tuần vừa qua về kế hoạch chưa từng có tiền lệ trong việc áp giá trần vào dầu vận chuyển qua đường biển của Moscow.
Kế hoạch này dự kiến sẽ có hiệu lực vào hôm 5/12, để đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt của Washington và Brussels nhằm đánh vào doanh thu của Moscow sẽ không làm gián đoạn thị trường dầu toàn cầu.
“Liên minh đã đồng ý đặt ra một mức giá cố định, liên tục được xem xét thường xuyên thay vì một tỷ lệ chiết khấu dựa trên một loại dầu nào đó”, một nguồn tin cho biết. “Động thái này sẽ tăng cường sự ổn định thị trường, đơn giản hóa việc tuân thủ và giảm thiểu gánh nặng cho các bên tham gia thị trường”.
Mức giá trần chính thức vẫn chưa được thông qua. Theo nhiều nguồn tin, con số này sẽ có trong vài tuần tới. Các đối tác trong liên minh giá trần đã đồng ý thường xuyên xem xét và sửa đổi mức giá nếu cần thiết.
Nguồn tin của Reuters cho biết việc đặt giá theo một mức chiết khấu dựa trên một loại dầu nào đó sẽ tạo ra quá nhiều biến động và nguy cơ tăng giá. Liên minh lo ngại rằng một mức giá thả nổi, được tính theo giá dầu Brent có thể cho phép Moscow thách thức cơ chế giá trần bằng cách giảm nguồn cung, một nguồn tin khác của Reuters cho biết.
Moscow có thể hưởng lợi từ hệ thống giá thả nổi. Giá dầu Nga cũng sẽ tăng nếu dầu Brent lên giá do Moscow cắt giảm nguồn cung.
Nguồn tin cho biết hệ thống giá cố định có nhược điểm là đòi hỏi nhiều cuộc họp và bộ máy hành chính để xem xét và điều chỉnh giá thường xuyên.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức G7 khác cho rằng giá trần có hiệu lực từ ngày 5/12 với dầu thô và 5/2 với các sản phẩm từ dầu sẽ siết chặt doanh thu của Nga mà không cắt giảm nguồn cung cho người dùng.
Phía Moscow tuyên bố sẽ không vận chuyển dầu tới bất kỳ quốc gia nào tham gia vào kế hoạch giá trần trên.
Các đơn vị vận tải đang theo dõi thông tin chi tiết về kế hoạch của G7, dự kiến có hiệu lực trong hơn một tháng nữa. Mức giá trần ổn định có thể cho phép công ty bảo hiểm tự tin hơn khi kéo dài hợp đồng cũ và bắt đầu những hợp đồng mới mà không lo sợ rằng giá có thể bị điều chỉnh bởi các nước mua dầu Nga, khiến doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ dính trừng phạt.
Bộ Tài chính hoặc Đại sứ quán của G7, Liên minh châu Âu và Australia đều chưa trả lời bình luận của Reuters.
Giá năng lượng leo thang: Doanh nghiệp "giàu càng giàu", người tiêu dùng khóc ròng