Vietstock - Đến lượt công ty mẹ của Facebook (NASDAQ:META) sa thải nhân viên
Meta Platforms Inc., công ty mẹ của Facebook, đamg lên kế hoạch để bắt đầu đợt sa thải quy mô lớn trong tuần này, Wall Street Journal dẫn lời các nguồn tin thân cận cho hay. Đây có thể là đợt sa thải lớn nhất trong làn sóng cắt giảm nhân sự gần đây của lĩnh vực công nghệ.
Theo các nguồn tin này, dự kiến hàng nghìn nhân viên sẽ bị sa thải và thông báo sẽ được chuyển tới từng người sớm nhất vào ngày 09/11. Tính đến cuối tháng 09/2022, Meta cho biết công ty có hơn 87,000 nhân viên. Bên cạnh việc sa thải, ban lãnh đạo của công ty cũng đã yêu cầu nhân viên huỷ bỏ các chuyến đi không cần thiết từ tuần này, các nguồn tin tiết lộ.
Đây sẽ là đợt sa thải trên diện rộng đầu tiên của Meta trong 18 năm hoạt động. Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm, đợt sa thải của Meta vẫn nhỏ hơn so với Twitter với khoảng 50% nhân viên bị mất việc. Tuy nhiên, số lượng nhân viên của Meta bị sa thải có thể là lớn nhất đối với một tập đoàn công nghệ cho đến thời điểm hiện tại.
Trước đó, CEO Mark Zuckerberg tuyên bố công ty sẽ tập trung đầu tư vào một vài lĩnh vực được ưu tiên cao hơn. “Điều đó có nghĩa là một số phòng ban liên quan sẽ tăng lượng nhân viên, nhưng hầu hết phòng ban khác sẽ được giữ nguyên hoặc giảm quy mô trong năm tới. Nói chung, chúng tôi dự kiến kết thúc năm 2023, công ty sẽ có quy mô giống hoặc nhỏ hơn một chút so với hiện tại”, Zuckerberg nói trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022.
Wall Street Journal từng đưa tin vào tháng 09/2022 rằng Meta đang có kế hoạch cắt giảm ít nhất 10% chi phí trong những tháng tới, trong đó bao gồm sa thải nhân viên.
“Thực tế là có lẽ rất nhiều nhân viên của Meta không nên ở đây”, Zuckerberg nói với nhân viên trong cuộc họp toàn công ty vào cuối tháng 06/2022.
Giống các “gã khổng lồ” công nghệ khác, Meta phải tăng cường tuyển dụng nhân sự trong thời kỳ đại dịch COVID-19 khi cuộc sống và công việc kinh doanh của phần lớn người dân chuyển sang hình thức trực tuyến. Meta đã tuyển thêm hơn 27,000 nhân viên trong giai đoạn 2020 – 2021 và 15,344 người nữa trong 9 tháng đầu năm nay.
Giá cổ phiếu của Meta đã giảm hơn 70% kể từ đầu năm 2022 đến nay. Công ty từng nhấn mạnh các xu hướng kinh tế vĩ mô đang xấu đi, song nhà đầu tư vẫn lo ngại về tình hình chi tiêu cũng như mối đe doạ với hoạt động kinh doanh mạng xã hội cốt lõi của công ty. Meta bắt đầu tăng trưởng trì trệ ở nhiều thị trường do bị cạnh tranh gay gắt từ TikTok và yêu cầu của Apple (NASDAQ:AAPL) liên quan tới việc theo dõi thiết bị của người dùng.
Chi phí của Meta cũng tăng mạnh, khiến dòng tiền tự do giảm 98% trong quý 3/2022. Một số khoản chi tiêu của công ty là để đầu tư lớn vào công suất tính toán bổ sung và trí tuệ nhân tạo cần thiết để phát triển Reels, một nền tảng chia sẻ video dạng ngắn giống TikTok trên Instagram.
Tuy nhiên, chi phí của Meta tăng vọt phần lớn xuất phát từ cam kết của Zuckerberg với Reality Labs, bộ phận phụ trách phát triển thiết bị thực tế ảo, thiết bị thực tế ảo tăng cường và metaverse. Công ty đã tiêu tốn 15 tỷ USD kể từ đầu năm ngoái cho những hoạt động này.
Các nhà phân tích mới đây đã hạ xếp hạng của họ đối với cổ phiếu của Meta, đồng thời hạ mục tiêu giá của công ty này.
Kim Dung (Theo WSJ)