Vietstock - Dow Jones tăng hơn 400 điểm khi hy vọng về gói kích thích dâng cao
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong ngày thứ Tư (30/09), giữa lúc xuất hiện hy vọng Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà tiến tới thoả thuận về gói kích thích tài khoá. Dù vậy, thị trường vẫn sắp ghi nhận tháng giảm điểm đầu tiên kể từ tháng 3/2020.
Tính tới lúc 22h ngày thứ Tư (30/09 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng vọt 410 điểm (tương đương 1.5%), trong khi S&P 500 tiến 1.1% còn Nasdaq Composite cộng 1.2%.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tỏ ra lạc quan về khả năng tiến tới gói kích thích bổ sung trong ngày thứ Tư (30/09) sau nhiều tuần bế tắc.
“Chúng tôi sẽ cố gắng thêm một lần nữa để tiến tới thỏa thuận và hy vọng là chúng tôi có thể hoàn tất một điều gì đó”, ông Mnuchin cho biết tại hội nghị Delivering Alpha. “Tôi nghĩ sẽ có sự thoả hiệp hợp lý giữa đôi bên”.
Đà tăng của chứng khoán Mỹ cũng diễn ra sau dữ liệu kinh tế lạc quan hơn dự báo. Số việc làm tư nhân của ADP tăng thêm 749,000 việc làm trong tháng 9/2020, vượt xa ước tính 600,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Trong khi đó, doanh số bán nhà chờ bán (pending home) tăng 8.8% trong tháng 8/2020, tháng tăng mạnh nhất trong lịch sử, theo cuộc khảo sát của tổ chức Hiệp hội Các nhà bất động sản Quốc gia (NAR).
Những cổ phiếu nhạy cảm với đà hồi phục kinh tế, bao gồm hàng không, ngân hàng và công ty vận hành du thuyền, dẫn đầu đà tăng trong ngày 30/09. Cổ phiếu American Airlines và United leo dốc hơn 3%, trong khi Boeing cũng tiến 2.6%. JPMorgan, Goldman Sachs và Citigroup đều tăng ít nhất 1%.
Dù vậy, các chỉ số chính trên Phố Wall vẫn sắp ghi nhận đà giảm mạnh trong tháng 9/2020, đồng thời đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2020. S&P 500 giảm 4.7% tính tới ngày 29/09, sắp ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong 6 tháng vừa qua. Dow Jones và Nasdaq Composite giảm tương ứng 3.4% và 5.9% trong tháng 9/2020.
Nhà đầu tư cũng đang suy xét về cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên. Phố Wall đang kỳ vọng quá trình tranh luận sẽ giúp cuộc bỏ phiếu tháng 11 tới tìm ra người chiến thắng rõ ràng, không khiến thị trường hỗn loạn vì kết quả khó xác định.
“Đây là một đêm dài và có nhiều thứ cần phải suy xét”, Daniel Deming, Giám đốc quản lý tại KKM Financial, cho hay. “Áp lực biến động trong ngắn hạn có lẽ sẽ không thuyên giảm sau cuộc tranh luận này. Theo góc nhìn của tôi, cuộc tranh luận này còn tạo ra thêm sự bất ổn”, Deming nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Dân chủ Joe Biden tranh cãi nảy lửa về một số vấn đề, bao gồm cách quản lý kinh tế Mỹ, việc bổ nhiệm Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao cũng như cách xử lý của Mỹ trong đại dịch Covid-19.
Trước cuộc tranh luận, ông Biden đang dẫn trước ông Trump khoảng 6.1 điểm phần trăm trong các cuộc khảo sát gần đây, theo RealClearPolitics.
Nhiều chiến lược gia thị trường xem sự bất ổn xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là một yếu tố tiêu cực cho thị trường cho tới cuối năm 2020. Kịch bản nào cũng sẽ mang lại cả rủi ro và lợi ích. Một số nhà đầu tư lo ngại về khả năng ông Biden thắng cử vì lo ngại cựu Phó Tổng thống Mỹ sẽ nâng thuế doanh nghiệp và thắt chặt quy định. Thế nhưng, cùng lúc đó, điều này cũng góp phần xoa dịu lo ngại về cuộc chiến thương mại và nhiều khả năng sẽ có thêm gói kích thích cho nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19.
Vũ Hạo (Theo CNBC)