Vietstock - Dow Jones rớt hơn 450 điểm sau khi thị trường trái phiếu báo điềm dữ
Chứng khoán Mỹ quay đầu rớt mạnh trong ngày thứ Tư (14/08), xóa sạch đà tăng mạnh trong ngày trước đó, sau khi thị trường trái phiếu Mỹ phát tín hiệu chẳng lành về nền kinh tế Mỹ.
Tính tới lúc 20h40 ngày thứ Tư (14/08 – giờ Mỹ), chỉ số Dow Jones giảm 452 điểm, còn S&P 500 lùi 1.3% và Nasdaq Composite sụt 1.7%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động dưới lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm vào đầu ngày thứ Tư (14/08 – giờ Mỹ), một hiện tượng được nhiều chuyên gia xem là tín hiệu sớm đáng tin cậy về suy thoái kinh tế. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Diễn biến trên thể hiện nỗi lo ngày càng lớn về nền kinh tế toàn cầu, khi nhà đầu tư gấp rút chạy sang các kênh trú ẩn an toàn.
Vào đầu ngày thứ Tư (14/08), lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 1.623%, dưới mức 1.634% của trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm. Điều này có nghĩa lợi suất mà nhà đầu tư có khi cho Chính phủ Mỹ vay trong 2 năm còn cao hơn cả khi cho vay 10 năm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà giảm khi ngân hàng gặp khó trong hoạt động cho vay trong môi trường như thế này. Cổ phiếu Bank of America và Citigroup đều rớt hơn 3%, trong khi JPMorgan sụt 3%. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF lao dốc 2.65%.
Dữ liệu từ Credit Suisse cho thấy:
- Năm lần gần nhất xảy ra sự đảo ngược giữa lợi suất kỳ hạn 2 và 10 năm đều dẫn tới suy thoái.
- Tính trung bình, sau khi xuất hiện sự đảo ngược trên, thường phải đến 22 tháng sau thì suy thoái mới diễn ra.
- S&P 500 thường tăng trung bình 12%/năm sau khi xảy ra hiện tượng đảo ngược.
- Sau khi xảy ra hiện tượng đảo ngược khoảng 18 tháng, chứng khoán Mỹ thường đảo chiều và ghi nhận tỷ suất sinh lợi âm.
Căng thẳng thương mại
Nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về cuộc thương chiến Mỹ-Trung và tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu khi dữ liệu kinh tế yếu hơn dự báo càng làm tăng thêm không khí u ám bao quanh Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dữ liệu chính thức công bố vào ngày thứ Tư (14/08) cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp Trung Quốc giảm về mức 4.8% trong tháng 7/2019 so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu này được đưa ra khi Mỹ trì hoãn áp thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc.
Trong ngày thứ Ba (13/08), văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết Mỹ đã loại bỏ một số mặt hàng nhất định của Trung Quốc ra khỏi danh sách hàng hóa có thể bị áp thuế, với lý do “sức khỏe, an toàn, an ninh quốc gia và các yếu tố khác”, đồng thời trì hoãn áp thuế đối với một số mặt hàng khác cho đến ngày 15/12/2019.
Các mặt hàng có trong nhóm được trì hoãn áp thuế bao gồm “điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game tay cầm, một số đồ chơi, màn hình máy tính và một số mặt hàng giày dép và quần áo”, USTR cho biết.
Ở diễn biến khác, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Trung Quốc cho biết, họ đồng ý điện đàm lần nữa trong vòng 2 tuần tới.
Vũ Hạo (Theo CNBC)