Vietstock - Điều gì châm ngòi cho làn sóng bán tháo cổ phiếu vận tải biển ở châu Á?
Cổ phiếu vận tải biển khắp châu Á lao dốc sau khi công nhân cảng tại bờ Đông và vùng Vịnh Mỹ đồng ý tạm dừng cuộc đình công. Quyết định này đã nhanh chóng dập tắt hy vọng về việc giá cước container sẽ tăng do nguồn cung bị thắt chặt.
Cổ phiếu của Kawasaki Kisen Kaisha tại Nhật Bản giảm tới 13% ở Tokyo, trong khi Mitsui OSK Lines sụt hơn 9%. Tại Hàn Quốc, Pan Ocean Co trượt tới 5.5% và Korea Line cũng giảm, trong khi cổ phiếu Cosco Shipping Holdings niêm yết tại Hồng Kông lao dốc hơn 12% vào đầu phiên ngày 04/10. Regional Container Lines PCL của Thái Lan cũng sẽ là tâm điểm chú ý khi thị trường nước này mở cửa.
“Trước đó, nhiều người kỳ vọng thị trường vận tải container sẽ tăng trưởng nhờ cuộc đình công kéo dài. Nhưng giờ đây, với việc tạm ngừng đình công, hy vọng đó đã tan biến, và các nhà giao dịch ngắn hạn đang nhanh chóng đảo chiều các giao dịch của họ”, Tsuyoshi Hori, Chuyên viên phân tích tại Mito Securities Co. ở Tokyo, nhận định.
Công nhân cảng biển ở Mỹ đã đồng ý bắt đầu vận chuyển hàng hóa trở lại. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục quá trình thương lượng tập thể với người sử dụng lao động để đạt được một thỏa thuận mới. Thông tin này được công đoàn đại diện cho người lao động công bố vào ngày 03/10, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng sau khi các cảng container từ Houston đến Miami và lên tới Boston đã phải đóng cửa kể từ khi hợp đồng lao động hết hạn vào ngày 01/10.
Trước đó, các chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence đã dự đoán rằng cuộc đình công tại cảng có thể sẽ hỗ trợ phần nào cho giá cước container, đặc biệt sau một chuỗi nhiều tuần giảm giá. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã thay đổi hoàn toàn bức tranh này.
Ikuo Mitsui, nhà quản lý quỹ tại Aizawa Securities Co., cho rằng: "Những ai kỳ vọng hiệu suất kinh doanh của các công ty vận tải sẽ cải thiện giờ đây đang bán ra. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua một thực tế rằng rủi ro địa chính trị vẫn còn đó và khó có thể giảm bớt trong một sớm một chiều. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá cước vận tải khó có thể giảm quá mức”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)