Vietstock - Dịch bệnh khiến người Trung Quốc muốn tiết kiệm thay vì đầu tư
Người tiêu dùng Trung Quốc trở nên cẩn trọng hơn so với lúc trước dịch, theo cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).
Thay vì chi tiêu hoặc đầu tư, ngày càng nhiều người Trung Quốc muốn tiết kiệm tiền, kết quả cuộc khảo sát hàng quý cho thấy.
54.7% người tiêu dùng tham gia cuộc khảo sát nói rằng họ muốn tiết kiệm tiền, tỷ lệ cao nhất kể từ quý 3/2002, theo dữ liệu từ Wind Information.
Trong vài tuần qua, sự bùng phát biến chủng Omicron ở những trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc, như Thẩm Quyến và Thượng Hải, đã gây gián đoạn hoạt động kinh doanh và đảo lộn cuộc sống hàng ngày của người dân do nhà chức trách phải triển khai các biện pháp phong toả và kiểm dịch nghiêm ngặt.
Khi đại dịch đã bước sang năm thứ 3, đã có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ thay đổi chiến dịch “zero Covid” (triệt tiêu Covid), theo đánh giá của chuyên gia kinh tế cấp cao Carlos Casanova của UBP.
Tuy nhiên, ông cho rằng những thay đổi như vậy, nếu có, sẽ không diễn ra trước nửa cuối của năm nay. UBP đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 2, nhưng không đưa ra một con số cụ thể, ông cho biết.
Cuộc khảo sát của PBoC cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng Trung Quốc muốn tiêu tiền trong quý 1 giảm còn 23.7%, thấp nhất trong 1 năm. Tuy nhiên, ở lần dịch bùng phát đầu tiên trong quý 1/2020, tỷ lệ này chỉ là 22%.
Giáo dục là lĩnh vực mà nhiều người tiêu dùng Trung Quốc muốn tăng chi tiêu nhất trong 3 tháng tới. Theo kết quả khảo sát, có 28.9% người tiêu dùng được hỏi muốn tăng chi tiêu cho giáo dục, tăng từ mức 27.2% trong cuộc khảo sát của quý 4/2021.
Bất chấp cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản Trung Quốc, tỷ lệ người tiêu dùng nước này có kế hoạch mua nhà trong 3 tháng tới vẫn khá cao là 17.9%, không thay đổi so với lần khảo sát trước.
Ngày càng ít người muốn mua cổ phiếu
Dù muốn giảm chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn, người tiêu dùng Trung Quốc cũng cho biết họ không muốn đầu tư.
Tỷ lệ người nói muốn đầu tư đã giảm xuống 21.6%, mức thấp nhất kể từ quý 1/2009.
Những người định đầu tư cổ phiếu chiếm tỷ lệ thấp nhất trong số 3 kênh đầu tư được liệt kê trong cuộc khảo sát, chỉ chiếm 16.2%, so với mức 17.3% trong quý 4.
PBoC cho biết cuộc khảo sát hàng quý này đã được thực hiện từ năm 1999, với sự tham gia của 20,000 người có tài khoản tiền gửi tại 50 thành phố từ nhỏ đến lớn trên toàn quốc.
Vũ Hạo (Theo CNBC)