Vietstock - Châu Âu có thể áp thêm biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 vì số ca nhiễm tăng mạnh
Các quốc gia châu Âu nhiều khả năng áp thêm biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong vài ngày tới khi số ca lây nhiễm Covid-19 hàng ngày tăng nhanh chóng, các chuyên viên phân tích cho biết.
Pháp ghi nhận 10,569 ca nhiễm mới trong ngày 20/09, thấp hơn mức hơn 13,000 ca nhiễm trong ngày trước đó, Reuters đưa tin. Trong khi đó, Anh ghi nhận gần 4,000 ca nhiễm mới trong ngày 20/09, Italy có gần 1,000 ca nhiễm mới, còn Đức ghi nhận thêm 1,345 ca nhiễm. Tây Ban Nha vẫn chưa công bố số ca nhiễm vào cuối tuần trước, nhưng có thêm gần 4,700 ca nhiễm mới trong ngày 18/09.
Vào ngày thứ Hai (21/09), Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết số ca nhiễm ngày càng tăng ở các quốc gia như Pháp, Australia và Hà Lan. Ông nói thêm, điều này thật đáng lo ngại và Đức sớm muộn gì cũng có thêm ca nhiễm mới từ những nước này trở về. Đáng chú ý, các quốc gia như Tây Ban Nha nhiều khả năng mất kiểm soát dịch bệnh.
* Tây Ban Nha đau đầu nghĩ cách tiêu tiền
Nguồn: CNBC
|
“Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều biện pháp kiểm soát trong vài ngày và vài tuần tới, nhất là ở châu Âu”, các chuyên viên phân tích tại Deutsche Bank cho biết trong báo cáo ngày thứ Hai (21/09). “Việc virus Covid-19 lây lan quá nhanh đang gây hoang mang dư luận”. Số ca nhiễm tăng quá nhanh chóng ở châu Âu đến nỗi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo châu Âu đang xảy ra tình trạng dịch bệnh rất nghiêm trọng, đồng thời cho rằng đây là “một hồi chuông cảnh tỉnh”. Các biện pháp giới hạn đã được áp đặt ở một vài khu vực tại châu Âu, trong đó phía bắc của nước Anh, Madrid (thủ đô của Tây Ban Nha) đang trong tình trạng phong tỏa.
Tuy nhiên, khi số ca ngày càng tăng, các chính quyền đang cân nhắc biện pháp kiểm soát quyết liệt hơn, trong đó Anh và các nước khác đang xem xét triển khai phong tỏa toàn quốc lần 2 để ngăn virus lây lan.
Chính phủ Anh cũng đang cân nhắc thêm các biện pháp hà khắc hơn như cấm ra đường sau 22h, từ đó buộc quán cà phê, bar và nhà hàng đóng cửa sớm. Tình trạng nguy cấp diễn ra khi Giám đốc y tế và cố vấn khoa học của Vương quốc Anh hôm thứ Hai (21/09) cảnh báo rằng nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn, tăng gấp đôi cứ sau bảy ngày và không có hành động nào được thực hiện, nước này có thể sẽ chứng kiến gần 50.000 ca mới mỗi ngày vào giữa tháng 10/2020.
Hy vọng kinh tế tiêu tan
Tuy nhiên, số ca tử vong tăng chậm hơn và nhiều chuyên gia hy vọng làn sóng bùng phát thứ 2 có thể không có sự tăng vọt về số ca tử vong như đợt đầu tiên, Deutsche Bank cho biết. Tuy nhiên, hy vọng về đà hồi phục kinh tế của châu Âu đang dần dần vuột khỏi tầm tay.
“Tôi không cho là số ca tử vong sẽ tăng mạnh như đợt đầu tiên, nhưng khó mà biết được các chính quyền châu Âu sẽ ra chiến lược gì ngay tại thời điểm này”, ngân hàng này cho biết. “Họ vẫn không muốn phong tỏa quy mô lớn, nhưng cũng không muốn virus lây lan. Không dễ để giải quyết cả hai vấn đề và vì thế, con đường sẽ rất gập ghềnh trong hai tháng tới nếu số ca nhiễm cứ tăng như hiện tại”.
Diễn biến Covid-19 đã tác động mạnh tới thị trường châu Âu, trong đó chỉ số Stoxx 600 rớt hơn 3% vào đầu phiên. Các chuyên gia tại Rabobank đồng tình rằng hy vọng kinh tế đang tiêu tan nhanh chóng.
“Khi số ca nhiễm Covid-19 vượt mốc 31 triệu người và gần 1 triệu người tử vong trên toàn cầu, khả năng xuất hiện làn sóng thứ hai sẽ tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế và chính sách. Trong khi đó, hy vọng về khả năng hồi phục kinh tế theo hình chữ ‘V’ (hoặc chữ ‘W’) tiếp tục tan biến nhanh chóng”, Rabobank nhận định.
Vũ Hạo (Theo CNBC)