Vietstock - Các nước quản lý tiền mã hóa như thế nào?
Tiền mã hóa (crypto currency) từng ít được biết đến và bị xem là liên quan đến các hoạt động tài trợ bất hợp pháp, thì nay đã trở nên phổ biến trên toàn cầu khi ngày càng có nhiều người đầu tư và giao dịch tiền mã hóa. Khi tiền mã hóa trở nên phổ biến thì các quy định pháp lý liên quan đến chúng cũng thu hút sự chú ý.
Tuy hầu hết các nước đều cấm khai thác tiền mã hóa do các lo ngại về việc tiêu thụ năng lượng, nhưng nhìn chung ứng xử của các quốc gia đối với tiền mã hóa có những khác biệt. Chẳng hạn, El Salvador chấp nhận bitcoin như tiền pháp định thì Trung Quốc lại cấm hoàn toàn tiền mã hóa tư nhân.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày khuôn khổ pháp lý của một số quốc gia điển hình trên thế giới đối với tiền mã hóa, sàn giao dịch tiền mã hóa, cũng như các thay đổi của các quy định dự kiến trong tương lai của các nước này.
Mỹ
Tại Mỹ, tiền mã hóa không được xem là tiền pháp định. Sàn giao dịch tiền mã hóa được cấp phép hoạt động và mỗi bang có các quy định khác nhau.
Mặc dù các quy định pháp lý ở các tiểu bang là không giống nhau, nhưng Mỹ đạt được nhiều bước tiến trong việc phát triển luật liên bang về tiền mã hóa. Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính (FINCEN) không coi tiền mã hóa là tiền pháp định, nhưng coi các sàn giao dịch tiền mã hóa là một nơi thực hiện các giao dịch chuyển tiền trên cơ sở token tiền mã hóa và là “giá trị khác thay thế cho tiền tệ”.
Cơ quan thuế (IRS) không coi tiền mã hóa là tiền pháp định, nhưng định nghĩa nó là “một hình thái kỹ thuật số có giá trị và có chức năng như một phương tiện trao đổi, thước đo giá trị và/hoặc phương tiện cất trữ giá trị” và đã ban hành hướng dẫn về thuế cho phù hợp.
Sàn giao dịch tiền mã hóa là hợp pháp ở Mỹ và thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Bảo mật ngân hàng (BSA). Trên thực tế, điều này có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hóa phải đăng ký với FINCEN, triển khai chương trình chống rửa tiền/tài trợ khủng bố (AML/CFT), lưu trữ lịch sử giao dịch và gửi báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) coi tiền mã hóa là chứng khoán và áp dụng luật chứng khoán một cách toàn diện cho các sàn giao dịch và ví kỹ thuật số. Ngược lại, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) xem bitcoin như một loại hàng hóa và cho phép các hợp đồng phái sinh tiền mã hóa được giao dịch.
Tháng 6-2019, FINCEN yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa tuân thủ quy định “Travel rule” và thu thập và chia sẻ thông tin về những người khởi tạo và người thụ hưởng trong các giao dịch tiền mã hóa. FINCEN xem các sàn giao dịch tiền mã hóa như các công ty chuyển tiền truyền thống và áp dụng tất cả các quy định giống nhau, bao gồm cả những quy định trong Đạo luật Bảo mật ngân hàng – phiên bản cập nhật quy định “Travel rule”. Vào tháng 10-2020, FINCEN đã quy định về việc điều chỉnh “Travel rule”, điều này cho thấy các sàn giao dịch tiền mã hóa sẽ chịu các quy định tuân thủ mới trong tương lai.
Trong năm 2021, Chính phủ Mỹ đã chuyển sự chú ý sang các stablecoin, với ý định giải quyết các nguy hiểm tiềm tàng lên quan đến sự tăng trưởng giá trị của các token này và khuyến nghị sự cần thiết phải có luật mới. |
Bộ Tài chính Mỹ đã nhấn mạnh đến việc cần thiết phải thiết lập các quy định đối với tiền mã hóa trong tương lai. Vào tháng 12-2020, FINCEN đã đề xuất một quy định mới về tiền mã hóa liên quan đến việc thu thập dữ liệu đối với các ví và sàn giao dịch.
Quy định dự kiến sẽ được thực hiện vào mùa thu năm 2022 và sẽ yêu cầu các sàn giao dịch gửi báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR) cho các giao dịch trên 10.000 đô la và yêu cầu chủ sở hữu ví xác định danh tính khi gửi hơn 3.000 đô la trong một giao dịch.
Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với SEC và CFTC để xây dựng các quy định đối với tiền mã hóa trong tương lai nhằm bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn và có các quy định hợp lý hơn. Trong năm 2021, Chính phủ Mỹ đã chuyển sự chú ý sang các stablecoin, với ý định giải quyết các nguy hiểm tiềm tàng liên quan đến sự tăng trưởng giá trị của các token này và khuyến nghị sự cần thiết phải có luật mới.
Quốc hội cũng tranh luận liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hóa trong năm 2021, với các quy tắc mới được đưa vào dự luật cơ sở hạ tầng của chính phủ. Theo các quy định mới, các sàn giao dịch được coi là nhà môi giới và phải tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và lưu trữ hồ sơ AML/CFT có liên quan.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, tiền mã hóa không được xem là tiền pháp định. Sàn giao dịch tiền mã hóa là bất hợp pháp.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cấm các tổ chức tài chính xử lý các giao dịch bitcoin vào năm 2013 và cấm các hoạt động chào bán lần đầu tiền mã hóa để huy động vốn (ICO) và các sàn giao dịch tiền mã hóa trong nước vào năm 2017. Theo Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2020, chính phủ xem tiền mã hóa là tài sản nhằm mục đích xác định quyền thừa kế. Vào tháng 6-2021, Trung Quốc đã cấm tất cả hoạt động khai thác tiền mã hóa trong nước và tiếp theo là cấm hoàn toàn tiền mã hóa vào tháng 9-2021. Quy định mới đã cấm sử dụng tất cả các sàn giao dịch tiền mã hóa (nước ngoài và trong nước).
Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ dỡ bỏ hoặc nới lỏng lệnh cấm đối với tiền mã hóa. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc ủng hộ đối với công nghệ blockchain, điều này cho thấy Trung Quốc có mong muốn dẫn dầu trong việc phát triển không gian tiền số. Vào tháng 9-2021, Trung Quốc đã đưa ra đồng nhân dân tệ số nhằm sử dụng cho các thanh toán trong tương lai.
Anh
Anh có cách tiếp cận đối với tiền mã hóa khá cụ thể. Mặc dù Anh không có luật cụ thể về tiền mã hóa, nhưng tiền mã hóa không được coi là tiền pháp định và các sàn giao dịch là hợp pháp và phải đăng ký với cơ quan quản lý tài chính (FCA).
Cơ quan thuế và hải quan (HMRC) đã ban hành một bản tóm tắt về việc xử lý thuế đối với tiền mã hóa, trong đó tiền mã hóa được xác định có đặc tính độc đáo (unique identity), vì thế không thể so sánh với các khoản đầu tư hoặc thanh toán thông thường và “khả năng chịu thuế” của tiền mã hóa phụ thuộc vào các hoạt động và các bên liên quan. Tuy nhiên, lãi hoặc lỗ đối với tiền mã hóa phải chịu thuế lãi vốn.
Sau khi rời khỏi liên minh châu Âu (EU) trong năm 2020, Anh chuyển các quy định 5AMLD và 6AMLD liên quan đến tiền mã hóa thành luật trong nước. Theo đó, các sàn giao dịch phải đăng ký hoạt động với FCA và tuân thủ các quy định AML/CFT. Nhìn chung, các quy liên quan đến tiền mã hóa của Anh sẽ không có nhiều khác biệt so với các nước EU trong ngắn hạn nhưng sẽ có một sự khác biệt nhất định. Chẳng hạn, vào tháng 1-2022, Chính phủ Anh đã xem xét phân loại tiền mã hóa như một dạng tài sản số và chịu các quy định liên quan đến “financial promotion”.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì việc xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo. Do đó việc tìm hiểu các quy định liên quan đến tiền mã hóa và sàn giao dịch tiền mã hóa cũng như các quy định dự kiến trong tương lai của các nước để có các ứng xử phù hợp cho Việt Nam là rất quan trọng.
(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
Trần Hùng Sơn (*)