Vietstock - Các nền kinh tế hàng đầu ASEAN tăng trưởng âm trong năm 2020
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh mẽ lên khu vực ASEAN, trong đó 5 nền kinh tế phát triển khu vực đều ghi nhận mức tăng trưởng âm, tình trạng tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua.
COVID-19 khiến các nền kinh tế lớn nhất ASEAN đều ghi nhận mức tăng trưởng âm. (Ảnh minh họa: AP)
|
Các nền kinh tế 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN đã công bố mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2/2020 đều ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.
Theo số liệu thông kê, mức tăng trưởng kinh tế của 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN trong quý vừa qua lần lượt là -17,1% đối với Malaysia, -16,5% với Philippines, -13,2% với Singapore, -12,2% ở Thái Lan và -5,3% tại Indonesia.
Theo chuyên gia kinh tế Sian Fenner của công ty tư vấn tài chính Oxford Economics, hoạt động kinh tế của Malaysia bắt đầu khởi sắc hơn sau khi nước này nới lỏng lệnh hạn chế đi lại vào tháng 5/2020. Do đó, nền kinh tế Malaysia có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2020. Oxford Economics ước tính rằng Ngân hàng Trung ương Malaysia (Negara) sẽ một lần nữa giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1,5% trong tháng 9/2020.
Với Philippines, chuyên gia Makoto Tsuchiya tại Oxford Economicscho biết cuộc suy thoái kinh tế trong quý vừa qua của nước này là đợt suy giảm mạnh nhất trong lịch sử, chủ yếu do chính phủ tiến hành phong tỏa đất nước. Tiêu dùng nội địa giảm 15,5% và đầu tư giảm 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, chi tiêu của Chính phủ tăng 22,1% trong cùng giai đoạn đang giúp kìm hãm đà suy giảm kinh tế thêm nữa. Ông Makoto Tsuchiya nhận định, quá trình phục hồi kinh tế ở Philippines sẽ diễn ra chậm rãi. Oxford Economics sẽ có thể hạ thấp hơn nữa dự báo kinh tế của Philippines cho năm 2020.
Với Singapore, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics Sung Eun Jung cho biết, sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào giữa tháng Sáu, chi tiêu của người tiêu dùng vốn bị suy giảm trước đó dự kiến sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, diễn biến khó lường của đại dịch trên toàn cầu cũng sẽ là gánh nặng cho kinh tế của Singapore. Oxford Economics dự đoán kinh tế Singapore sẽ chỉ tăng trưởng tích cực trở lại trong quý 2/2021.
Đối với Thái Lan, chuyên gia Sian Fenner cho rằng các yếu tố bên ngoài trở thành áp lực kinh tế cho nước này. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan đã giảm 28,3% trong quý 2/2020 do hạn chế đi lại quốc tế. Xuất khẩu dịch vụ bao gồm cả du lịch giảm 37,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu từ các thị trường nước ngoài đối với ôtô của Thái Lan được dự đoán sẽ vẫn chậm trong một thời gian và các hạn chế đi lại tiếp tục sẽ là lực cản đối với sự phục hồi kinh tế.
Về Indonesia, nền kinh tế nước này đã suy giảm 5,3% hàng năm trong quý vừa rồi. Các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn khiến tiêu dùng trong nước và đầu tư tài sản cố định giảm. Theo chuyên gia Sung Eun Jung, sự phục hồi kinh tế của Indonesia sẽ chậm lại, trong đó đà tăng GDP cũng suy yếu trong nửa cuối năm 2020 nhưng sẽ hồi phục tích cực vào năm tới.
Xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu được cải thiện từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Ngân hàng Indonesia vẫn dự kiến sẽ hạ lãi suất chuẩn xuống 3,75% trong quý 3/2020. Điều này có nghĩa là lãi suất chuẩn có thể giảm thêm 25 điểm cơ bản từ mức hiện tại là 4%.
Oxford Economics đã dự đoán tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2020 của Malaysia là -4,3%; Singapore -5,7%, Thái Lan -6,9%, Indonesia -2,7 còn riêng Philippines đang được điều chỉnh lại./.
Đình Ánh