Bên trong chiến dịch rút Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ của Mỹ

Ngày đăng 17:57 09/10/2020
Bên trong chiến dịch rút Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ của Mỹ
MSFT
-
GOOGL
-
AAPL
-
GOOG
-
CEO
-

Vietstock - Bên trong chiến dịch rút Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ của Mỹ

Apple (NASDAQ:AAPL), Google (NASDAQ:GOOGL) và những công ty khác đang chuyển dịch hoạt động sản xuất để chuẩn bị trước cho sự "tách rời" thị trường toàn cầu.

* Bên trong Luxshare – Công xưởng Apple đang thành hình tại Việt Nam

Vào một buổi sáng nắng nóng ở Đài Bắc, các quan chức Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT) – tương đương Đại sứ quán Mỹ – đến thăm ban lãnh đạo cấp cao của một công ty công nghệ lớn, một đối tác cung ứng quan trọng của Apple.

Khi vừa đến, không khí rõ ràng không giống như các chuyến xã giao trước đây. Lần này, họ cắt phần trò chuyện và thẳng thừng đưa ra câu hỏi ngay sau khi ngồi xuống: "Tại sao quý vị không chuyển thêm hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc?", họ hỏi, "Sao quý vị không triển khai nhanh hơn?".

Những người tham gia mô tả cuộc trao đổi này "khá nghiêm trọng và đáng lo ngại”. "Chúng tôi cảm thấy khó chịu", một người nói. "Họ hỏi nhiều câu mà chúng tôi không biết có thể trả lời hay không. Các câu trả lời sẽ liên quan đến các chiến lược chưa được công bố về công ty và khách hàng chúng tôi".

Thế nhưng thông điệp được thể hiện rất rõ: Chính phủ Mỹ đang trực tiếp kêu gọi công ty này cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, người này cho biết.

Các quan chức Mỹ cũng đã gặp một số ông lớn sản xuất chip hàng đầu của Đài Loan – những công ty cung cấp sản phẩm cho Huawei Technologies. Tương tự, các cuộc họp dường như là một nỗ lực nhằm lôi kéo các công ty đó đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến công nghệ đang leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, theo nhiều nguồn thạo tin của Nikkei Asia.

"Họ ở đây để đảm bảo rằng chúng tôi hiểu rõ về các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và nêu ra lập trường của Mỹ về Huawei", một nguồn tin trong ngành chip cho biết. “Nhưng chúng tôi xem những lời lẽ đó là một lời cảnh báo”.

Với các CEO (HN:CEO) ngành điện tử Đài Loan, các cuộc họp này là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến giành vị trí tối cao về công nghệ giữa hai siêu cường thế giới đã lên một tầm cao mới. Cuộc tranh đấu đã khởi đầu từ năm 2016 bằng các lệnh trừng phạt ZTE và ngày càng nghiêm trọng hơn khi Washington nâng sức ép đối với các công ty Trung Quốc mà theo họ là mối đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ.

Một người thân cận với AIT từ chối xác nhận chi tiết các cuộc họp, nhưng nói rằng việc giữ liên lạc với các công ty Đài Loan về "tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tuân thủ kiểm soát xuất khẩu" đã trở thành thông lệ thường xuyên.

Màn hình hiện rõ logo Huawei đằng sau Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Nguồn: Nikkei Asian Review

Chỉ trong vòng một năm, Washington đã sửa đổi các quy định kiểm soát xuất khẩu 3 lần để chỉa thẳng “mũi dùi” vào Huawei. Và trong 2 năm qua, chính quyền Trump đã tăng cường đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể (còn gọi là danh sách đen), với khoảng 70 công ty và tổ chức được nêu tên cho đến nay.

Giờ đây, từ việc gây áp lực để các công ty Mỹ tẩy chay các công ty Trung Quốc, Washington đã nỗ lực mở rộng tác động để buộc các nhà cung cấp không phải là công ty Mỹ cũng tham gia vào chiến dịch chặn đứng chuỗi cung ứng công nghệ với Trung Quốc.

"Washington đã vũ khí hóa chuỗi cung ứng công nghệ về thiết bị bán dẫn để làm chậm tham vọng công nghệ của Trung Quốc", Alex Capri, chuyên gia nghiên cứu tại Hinrich Foundation có trụ sở tại Singapore, nhận định.

Theo cách hiểu của các giám đốc công ty sản xuất chip Đài Loan, thông điệp trên có vẻ rất khẩn cấp: Chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, bớt làm ăn với các khách hàng Trung Quốc như Huawei và đứng về phía Mỹ. Nếu không họ sẽ phải đối mặt với kịch bản trở thành mục tiêu kế tiếp của Washington.

Đứng trước ngã ba đường

Ý tưởng tháo gỡ một chuỗi cung ứng công nghệ phức tạp và đã phát triển ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua là điều mà chẳng ai có thể ngờ tới cách đây 2 năm. Tuy nhiên, áp lực từ chính quyền Trump đã biến điều này thành hiện thực, khi mà các công ty từ Apple đến Google đã rút dần khỏi Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia trong 36 tháng qua. Đối với ngành công nghệ toàn cầu, câu hỏi hiện nay là liệu chuỗi cung ứng thay thế có thể hiệu quả bằng chuỗi cung ứng sản xuất ở Trung Quốc đại lục – vốn có thể sản xuất hơn 200 triệu chiếc iPhone mỗi năm – hay không.

Đài Loan đang ở vị trí quan trọng để chứng kiến chính sách mới này của Mỹ vì các công ty công nghệ của họ làm ăn với cả hai siêu cường – từ Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất) cho đến Foxconn (nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới). Họ là đối tác của các công ty hàng đầu của Mỹ như Apple, Microsoft (NASDAQ:MSFT), Google, Amazon, Qualcomm, Hewlett-Packard và Dell, cũng như các công ty hàng đầu của Trung Quốc đại lục như Huawei, Lenovo, Xiaomi, Alibaba Group Holding và Oppo. Đứng giữa ngã ba đường giữa Mỹ và Trung Quốc, các công ty của Đài Loan dù không muốn vẫn bị buộc phải chọn bên.

"Đây là một thời đại rất khó hiểu. Ngành công nghệ trong nhiều thập kỷ chưa bao giờ cần chú ý đến các động lực chính trị quốc tế như bây giờ", Tung Tzu-hsien, Chủ tịch Pegatron, nhà cung ứng lớn của Apple, phát biểu tại một diễn đàn ở Đài Bắc.

Tháng trước, chính phủ Mỹ, thông qua AIT, nhắc lại thông điệp rằng tất cả nhà cung cấp công nghệ nước ngoài nên rời khỏi Trung Quốc.

Ngày 04/09, Giám đốc AIT Brent Christensen tổ chức một diễn đàn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cùng với các đối tác EU, Canada và Nhật Bản, để công khai ủng hộ việc tách rời. Đây là lần đầu tiên Mỹ tổ chức một sự kiện như vậy ở Đài Loan, một vùng xám ngoại giao và không có đại sứ quán Mỹ chính thức, và là phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Giám đốc AIT Brent Christensen

Các công ty quốc tế ngày càng nhận ra mối hiểm họa tiềm tàng từ việc gắn kết tương lai với Trung Quốc và bắt đầu tìm tới nơi sản xuất thay thế bên ngoài nước này, ông nói.

Vị chuyên gia này kêu gọi các quốc gia hợp tác xây dựng lại chuỗi cung ứng ở những nơi khác. "Việc có chung lợi ích và giá trị đã kết nối chúng ta thành những đối tác tự nhiên và chúng ta sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn nếu làm việc cùng nhau", ông nói.

Thế nhưng, mọi chuyện không hề dễ dàng khi mà Trung Quốc không chỉ là cơ sở sản xuất mà còn là thị trường phát triển nhanh nhất của họ. Thị trường tỷ dân này mang lại 20% tổng doanh thu của Apple, hơn 20% doanh thu của Intel và 60% doanh thu của Qualcomm.

Một số công ty lớn nhất đang cố gắng hết sức để tránh chọn bên giữa Bắc Kinh và Washington. Apple áp dụng chiến lược hai mặt để tự cân bằng khỏi cuộc chiến công nghệ. Trong khi thúc các nhà cung cấp đẩy nhanh quá trình dịch chuyển khỏi Trung Quốc kể từ cuối năm 2018, họ cũng tích cực thúc đẩy các nhà cung cấp tại chỗ của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng hơn và đảm bảo khả năng tiếp cận tới thị trường 1.4 tỷ dân.

Với sự đồng ý của Apple, Wistron của Đài Loan đã bán nhà máy lắp ráp iPhone của mình ở thành phố Côn Sơn, Trung Quốc vào mùa hè này cho đối thủ địa phương Luxshare Precision Industry. Việc bàn giao này có ý nghĩa quan trọng, mở đường cho nhà cung cấp Trung Quốc phát triển chuỗi cung ứng của Apple. Lens Technology của Trung Quốc cũng đã mua các nhà máy sản xuất vỏ iPhone từ Catcher Technology của Đài Loan vào tháng 8/2020.

"Apple luôn nuôi dưỡng các nhà cung cấp Trung Quốc. Lý do là trước đây họ cho Apple nhiều quyền thương lượng giá hơn so với các nhà cung cấp hiện tại, nhưng giờ đây thì đó cũng trở thành một chiến lược để đa dạng hóa rủi ro địa chính trị", một nguồn tin quen thuộc với Apple cho biết.

Trong khi đó, Foxconn đã chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng khẳng định sẽ không chọn bên. "Làm thế nào để phục vụ hai thị trường lớn là điều luôn nằm trong kế hoạch của chúng tôi", Young Liu, chủ tịch Foxconn Technology Group, phát biểu tại một hội nghị nhà đầu tư ở Đài Bắc trong tháng 8/2020.

Nhưng không phải công ty nào cũng có đủ nguồn lực để làm như Apple và Foxconn. Thực tế là các nhà phát triển chip vẫn dựa vào một số nhà cung cấp công cụ thiết kế và sản xuất chip quan trọng của Mỹ như Applied Materials, Lam Research, KLA, Synopsys và Cadence Design Systems để tạo ra những con chip tiên tiến nhất có thể.

Điều đó đã buộc tất cả nhà cung cấp chip trên thế giới phải xin giấy phép từ chính phủ Mỹ để giao hàng cho Huawei, theo sắc lệnh có hiệu lực từ 15/09. Kể từ đó, các công ty cung ứng hàng công nghệ đã rơi vào tình thế gần như bất khả thi, phải linh động giữa Mỹ và Trung Quốc để tránh hứng chịu cơn thịnh nộ từ một trong hai chính phủ.

“Nói chung, các công ty công nghệ đa quốc gia không muốn chọn bên trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng vẫn buộc phải chuẩn bị bản thân cho một kịch bản tệ hơn”, Chiu Shih-fang, Chuyên viên phân tích chuỗi cung ứng công nghệ cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói với Nikkei.

Đối với ngành công nghệ, điều này báo hiệu trước về sự kết thúc của một kỷ nguyên. Trước đó, họ có thể thiết kế sản phẩm ở phương Tây và sản xuất ở khu trung tâm công nghiệp của Trung Quốc – một khu vực tạo ra những lợi thế về chi phí, chất lượng, nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, ngành công nghệ đang đối mặt với thực tế mới từ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đồng thời ngày càng phụ thuộc vào một chuỗi cung ứng chưa gắn kết ở Đông Nam Á.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.