Vietstock - Đàm phán thương mại Mỹ-Canada sẽ khởi động lại vào tuần tới
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Canada sẽ khởi động lại vào ngày thứ Tư (05/08) sau khi hai bên khép lại các cuộc thương lượng căng thẳng ngày thứ Sáu (31/08) mà không có thỏa thuận nào.
Trong ngày thứ Sáu (31/08), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo với Quốc hội Mỹ rằng, ông muốn ký một thỏa thuận thương mại với Mexico và có khả năng là với Canada trong 90 ngày (một giai đoạn để xem xét một thỏa thuận theo luật), Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Robert Lighthizer, cho biết trong một tuyên bố. Mỹ và Canada khép lại các cuộc đàm phán trong ngày thứ Sáu (31/08) – hạn chót để Canada tham gia vào thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico – mà không thể giải quyết được các vấn đề khó khăn.
“Các cuộc đàm phán mang tính xây dựng và chúng tôi đã tiến triển. Các quan chức của chúng tôi đang tiếp tục phối hợp để tiến tới thỏa thuận”, ông Lighthizer cho hay.
Ông Trump muốn thay đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – một thỏa thuận giữa ba nước Mỹ, Mexico và Canada – vì ông cho rằng thỏa thuận này đã trừng phạt người lao động Mỹ trong 20 năm vừa qua. Tổng thống Mỹ đã áp hàng rào thuế quan lên hàng hóa Canada và Mexico để mang những quốc gia này trở về bàn đàm phán, từ đó muốn họ loại bỏ hàng rào thuế quan của họ đối với một số sản phẩm nhất định.
Nhà Trắng đang chuẩn bị cung cấp tài liệu về thỏa thuận điều chỉnh NAFTA cho Quốc hội Mỹ trong vòng 30 ngày, và ông Trump sẽ muốn ký vào thỏa thuận này trong 60 ngày sau đó, các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết trong ngày thứ Sáu (31/08).
Phát biểu tại một sự kiện ở North Carolina trong ngày thứ Sáu (31/08), Tổng thống Mỹ cho biết, “vẫn sẽ ổn thôi” nếu Mỹ không có thỏa thuận với Canada. Nhưng ông cũng đưa ra lời đe dọa để thúc Canada hướng về một thỏa thuận: Hàng rào thuế quan.
“Chúng ta chỉ phải áp hàng rào thuế quan lên những chiếc xe hơi nhập khẩu vào đây. Sẽ có rất nhiều tiền chảy vào kho bạc Mỹ”, ông nói.
Sau khi các cuộc đàm phán trong ngày thứ Sáu (31/08) khép lại, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Canada, Chrystia Freeland, cho biết “với thiện chí và sự linh hoạt từ tất cả các bên, tôi biết chúng tôi có thể tiến tới một thỏa thuận”. Thế nhưng, cô nhấn mạnh rằng, Canada sẽ không ký một thỏa thuận mà họ xem là không có lợi cho người dân nước họ.
“Chính quyền Cnaada sẽ không ký một thỏa thuận trừ khi nó tốt cho Canada và tốt cho người dân Canada”, cô nói.
Mỹ đã tập trung đặc biệt vào chính sách nông nghiệp của Canada mà ông Trump cho rằng đã bán không công bằng các sản phẩm sữa của Mỹ ở Canada. Ông cũng muốn hỗ trợ những người nông dân Mỹ ở các bang Trung Tây – những người đã giúp ông thắng cử Tổng thống Mỹ. Nhiều trong số này đã bị tác động nặng nề vì những cuộc xung đột thương mại ngày càng leo thang với Trung Quốc, Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU).
Vũ Hạo (Theo CNBC)