Theo Hoang Nhan
Investing.com - Dòng tiền tiếp tục rút mạnh khỏi các cổ phiếu penny đã tăng trong suốt thời gian qua. Tuy vậy, lượng tiền này không còn luân chuyển giữa các nhóm ngành hay thị giá của cổ phiếu nữa mà đang có phần chững lại vì không tìm được lựa chọn để giải ngân. Dường như thị trường lúc này đang mất phương hướng và chờ đợi trong bối cảnh tin tức không nhiều và số liệu kết quả kinh doanh quý 3 chưa công bố.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, VN-Index giảm 1.59 điểm (-0.12%) xuống 1,351.17 điểm. Toàn sàn có 110 mã tăng, 291 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1.39 điểm (-0.39%) xuống 359.63 điểm. Toàn sàn có 65 mã tăng, 166 mã giảm và 46 mã đứng giá. UPCOM-Index giảm 0.3 điểm (-0.3%) xuống 98.07 điểm. Toàn sàn có 218 mã tăng, 235 mã giảm và 64 mã đứng giá.
Thanh khoản trên cả 3 sàn giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 23.5 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 987 triệu cổ phiếu. Riêng sàn HoSE ghi nhận thanh khoản 18.3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 1.6 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng thanh khoản của nhóm VN30 vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm khoảng 38% so với tổng giao dịch của HoSE.
Khối ngoại trở lại trạng thái mua ròng 156.83 tỷ đồng trên HoSE. Các mã được mua ròng nhiều nhất có MBB (HM:MBB), GMD (HM:GMD), VHM (HM:VHM),... Ở chiều ngược lại, các mã bị bán ròng mạnh nhất có HPG (HM:HPG), MSN (HM:MSN), VIC (HM:VIC), DGC (HM:DGC),...
Về mặt kỹ thuật, VN-Index tiếp tục duy trì được trên mốc 1,350 điểm, vượt khỏi vùng tích lũy 1,330-1,350 điểm. Đây là một dấu hiệu tốt về mặt tâm lý khi chỉ số đã giao dịch trong vùng 1,330-1,350 điểm hơn 2 tuần qua. Trong trường hợp chỉ số rơi xuống dưới 1,350 điểm và rơi lại vào mô hình hộp tích lũy, thị trường khả năng sẽ điều chỉnh về mốc hỗ trợ gần 1,330 điểm. Ngược lại, kháng cự gần để thị trường hướng tới là mốc 1,380 ứng với đỉnh cũ tháng 7. Chỉ báo MACD tiếp tục đi ngang và không cho tín hiệu rõ ràng. Chỉ báo RSI tiếp tục gặp khó khăn khi chạm kênh giảm từ đầu tháng 6, nếu chỉ báo vượt qua được kênh này thì tín hiệu thị trường sẽ tích cực hơn.
Như đã nêu trên, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục là những mã có đóng góp tích cực nhất cho chỉ số. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến MBB với mức tăng 2.9% sau khi được khối ngoại gom mạnh trong nhiều phiên vừa qua. Các mã còn lại như MSB (+3.4%), VIB (+1.7%), OCB (+1.4%), TCB (HM:TCB) (+0.8%),.. đều giữ được sắc xanh trong phiên hôm nay. Trên HNX, SHB (HN:SHB) (+0.8%) và BAB (+1.8%) là 2 cái tên giúp HNX-Index chỉ giảm nhẹ trước áp lực bán lớn.
Các cổ phiếu thuộc ngành khí như PGD (+6.8%), PVC (HN:PVC) (+1.8%), PSE (+1.5%), GAS (HM:GAS) (+0.4%),... có mức tăng tốt trước diễn biến giá khí thuận lợi. Tuy vậy, điều khá bất ngờ là các cổ phiếu thuộc nhóm dầu hay cung cấp dịch vụ dầu khí lại điều chỉnh ngay trong phiên dù giá dầu thế giới tăng mạnh hôm qua lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng. Những cái tên có thể kể đến là PLC (HN:PLC) (-3.7%) PVT (HM:PVT), (-3.6%), OIL (HN:OIL) (-2.9%), PVD (HM:PVD) (-2.1%),... Việc giá dầu khí tăng cũng gây áp lực lên nhiều nhóm ngành sử dụng dầu/khí làm nguyên liệu đầu vào như phân bón, nhựa, vận tải,... Nhiều mã thuộc các nhóm kể trên cũng đều giảm mạnh trong phiên hôm nay, nhưng nguyên nhân chính lại là do áp lực chốt lời lớn sau khi đã tăng giá mạnh.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu để khai thác cơ hội thị trường xuất khẩu thời gian tới. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản, lâm sản đạt 15.4 tỷ USD, tăng 14.9%, thủy sản đạt 5.58 tỷ USD, tăng 7.1% so với cùng kỳ, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là một động thái cấp thiết để Việt Nam không chỉ ở mức duy trì hoạt động sản xuất mà còn phải tận dụng được các FTA và sự hồi phục các nền kinh tế lớn sau đại dịch COVID-19.