Vietstock - Quy trách nhiệm quy hoạch 'treo'
Tại TP.HCM (HM:HCM), sở dĩ có tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài và tràn lan bởi cơ quan chức năng từ quận huyện đến các sở ngành, đặc biệt là Sở Quy hoạch - Kiến trúc vẽ các đồ án quy hoạch cho đồ sộ, nhưng thiếu tính khả thi, khó thực hiện.
Quy hoạch “treo” kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân Ảnh: Độc Lập
|
Làm, duyệt quy hoạch tùy tiện
Lãnh đạo một công ty bất động sản nói rằng hiện nay cách làm quy hoạch, duyệt quy hoạch của TP.HCM nói riêng và của cả nước nói chung đang có dấu hiệu tùy tiện khi áp các quy hoạch 1/5.000, 1/2.000, quy hoạch vùng lên một khu dân cư mà không hỏi ý kiến người dân bị ảnh hưởng.
Điều này dẫn đến cùng một khu vực, nhưng có nhà dân thì bị dính quy hoạch cây xanh, quy hoạch giao thông, giáo dục..., còn nhà khác có thể không bị. Những hộ dân dính quy hoạch “treo” coi như gặp “tai họa”. Nhà đất không thể xây dựng, không thể chuyển nhượng, giá trị bị giảm mạnh.
“Quy hoạch như hiện nay đã không tạo ra sự công bằng cho các hộ dân, làm phát sinh tham nhũng trong quy hoạch, vì có những người biết mình bị dính công viên, giao thông sẽ “chạy” để cơ quan chức năng bỏ nhà mình ra. Chính vì vậy, cách tốt nhất là không nên áp quy hoạch 1/2.000 mà quy hoạch chung đưa ra chỉ tiêu về cơ cấu sử dụng đất giáo dục, đất cây xanh, đất y tế, công trình công cộng... Khi có nhà đầu tư mới làm quy hoạch 1/2.000 để thực hiện trong vòng 5 năm với nguồn lực sẵn có. Điều này sẽ hạn chế quy hoạch “treo” và tạo sự công bằng giữa các hộ dân”, ông này nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết hiện TP.HCM có khoảng 600 quy hoạch phân khu 1/2.000. Những quy hoạch này đều có sự tư vấn, góp ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) trước khi các địa phương ký ban hành. Tuy nhiên, đa số các quy hoạch đều rập khuôn vào ranh hành chính của từng quận huyện, cắt khúc. Điều này dẫn đến các đồ án quy hoạch khó thực hiện do không có nguồn lực cũng như không khả thi và dẫn đến quy hoạch “treo” là điều tất yếu.
Đáng nói, theo ông Châu, thì dù theo luật định kỳ 5 năm sẽ phải rà soát quy hoạch chung, 3 năm rà soát quy hoạch phân khu 1/2.000 và 10 năm rà soát quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ rà soát rất chậm, qua loa đại khái, không thực chất nên quy hoạch “treo” vẫn “treo” lưu cữu. Theo định hướng của Sở QH-KT, trong số 600 quy hoạch phân khu sẽ tích hợp lại còn hơn 200. Đây là việc làm cần thiết, nhưng phải ấn định thời gian thực hiện, không thể kéo dài. Đồng thời khi rà soát, những khái niệm không phù hợp như đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp phải bỏ.
“Đây là trách nhiệm của Sở QH-KT, của UBND các quận huyện. Rà soát lại phải dựa trên tổng thể kinh tế, xã hội của TP và của các quận huyện, phải lấy ý kiến cũng như nắm rõ tâm tư nguyện vọng và quyền lợi của người dân. Vai trò của Sở QH-KT là quan trọng nhất trong vấn đề xóa dự án treo”, ông Châu nói.
Rà soát và quy trách nhiệm
Một lãnh đạo Sở QH-KT cũng từng nhìn nhận các đồ án quy hoạch lâu nay chưa nêu rõ thời gian, kế hoạch, nguồn lực thực hiện, nên người dân bất an, bức xúc khi các đồ án này bộc lộ thiếu tính khả thi, chậm thực hiện là lẽ đương nhiên.
KTS Trần Vinh, thuộc Hội KTS TP.HCM, cho rằng: “Khi làm một đồ án quy hoạch, nhà hoạch định chính sách phải biết rõ tính khả thi, biết được nguồn lực để triển khai, không có chuyện vẽ bừa, làm ảnh hưởng đến người dân có đất nằm trong vùng quy hoạch. Chính vì vậy, cần phải quy rõ trách nhiệm đối với đơn vị vẽ và duyệt quy hoạch để nơi đó họ có trách nhiệm hơn với quyết định của mình đưa ra. Nếu gây thiệt hại cho người dân phải bồi thường, không thể cho tồn tại quy hoạch kéo dài lê thê hàng thập niên không thực hiện”.
Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, tình trạng quy hoạch “treo” hay dự án “treo” do việc tổ chức thực hiện chậm, hoặc không thực hiện quy hoạch đối với quy hoạch công trình hạ tầng công cộng, cây xanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi hợp pháp, cuộc sống người dân mà còn gây lãng phí tài nguyên, giảm hiệu quả, chất lượng của đô thị. Do đó, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương ban hành các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư (BT, PPP...) các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông. Đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư, nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương rà soát quy hoạch để điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.
Đình Sơn