Vietstock - Làm rõ quy định về CCP để thúc đẩy nâng hạng thị trường
Bộ Tài chính lên kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, làm rõ quy định về CCP nhằm tạo hành lang pháp lý triển khai cơ chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán này, từ đó, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK).
* Sửa quy định nhằm gỡ "việt vị" cho mô hình CCP?
Việc triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP - Central Counter Party) cho thị trường chứng khoán là một trong những bước quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ hạng cận biên lên mới nổi. CCP là cơ chế bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) thực hiện, trong đó VSDC thông qua hoạt động thế vị trở thành một đối tác của giao dịch chứng khoán, thành viên bù trừ là đối tác còn lại của giao dịch.
Cơ chế CCP triển khai cho thị trường chứng khoán cơ sở sẽ nâng sức mua của nhà đầu tư lên đáng kể khi thay đổi tỷ lệ ký quỹ trước khi mua, thay vì phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước khi mua, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ (dự kiến từ 10 - 20%).
Bộ Tài chính đang lên kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó, điều chỉnh một số vấn đề liên quan tới triển khai cơ chế CCP nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế CCP trên toàn TTCK.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Chứng khoán theo hướng làm rõ ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được làm thành viên bù trừ cả trên thị trường phái sinh và thị trường chứng khoán cơ sở. Đồng thời, xác định nghĩa vụ thanh toán tiền và chứng khoán được thực hiện thông qua Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) hoặc công ty con của VSDC.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 56, khoản 4 Điều 55, khoản 1 Điều 63 theo hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai cơ chế CCP trên thị trường chứng khoán Việt Nam như sau:
- Sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 56: “a) Thành viên bù trừ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Trường hợp thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch cho chính thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
- Sửa đổi khoản 1 Điều 63: “1. Hoạt động bù trừ, xác định nghĩa vụ thanh toán tiền và chứng khoán được thực hiện thông qua Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc công ty con của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam”. Đồng thời, bổ sung khoản 4 Điều 55: “4. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức, phân công thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của Luật này cho công ty con của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính”.
Thống nhất cách hiểu về đơn vị thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch
Lý giải về các điều chỉnh này, Bộ Tài chính cho biết Điều 56 Luật Chứng khoán có quy định: “Thành viên bù trừ có các quyền sau đây: a) Thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh và các chứng khoán khác. Thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho chính ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Ngoài ra, khoản 6 Điều 56 Luật Chứng khoán đã giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán của VSDC và thành viên của VSDC.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2020 và Nghị định 158/2020, trong quá trình xây dựng 2 nghị định này, quan điểm thống nhất liên quan đến thành viên bù trừ cụ thể như sau: Thành viên bù trừ (bao gồm CTCK, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán trên cả TTCK cơ sở và TTCK phái sinh.
Riêng đối với thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thực hiện bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán trên TTCK phái sinh thì chỉ được thực hiện cho chính ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai để áp dụng cơ chế CCP, đã có các cách hiểu khác nhau giữa lĩnh vực ngân hàng và lĩnh vực chứng khoán về việc có cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được làm thành viên bù trừ trên TTCK cơ sở hay không.
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 56 là cần thiết để có cách hiểu thống nhất về việc cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên cả TTCK cơ sở và TTCK phái sinh.
CCP sẽ do công ty con của VSDC triển khai?
Về đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế CCP, Bộ Tài chính cho biết sau khi Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thi hành, trong quá trình xây dựng Quyết định 26/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VSDC, có ý kiến cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ để VSDC thành lập công ty con thực hiện chức năng CCP.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, hiện nay VSDC đang đảm nhận thực hiện chức năng CCP cho thị trường chứng khoán phái sinh và tiến tới triển khai chức năng CCP cho cả thị trường chứng khoán cơ sở. Thành viên bù trừ của VSDC sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng với VSDC với tư cách là đại diện theo ủy quyền của khách hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp thành viên bù trừ không thực hiện được nghĩa vụ của mình, VSDC là bên chịu trách nhiệm thanh toán cuối cùng thay cho thành viên bù trừ thông qua cơ chế đảm bảo thanh toán hiện đang được quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Thông tư 119/2020/TT-BTC.
Như vậy, theo cơ chế CCP, VSDC sẽ là đơn vị cuối cùng chịu rủi ro thanh toán, phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, thanh toán thay cho thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, có thể xảy ra trường hợp phải sử dụng nguồn vốn của mình để thực hiện các nghĩa vụ của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán.
Điều này có thể ảnh hưởng đến an toàn tài chính của chính VSDC và ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hoạt động nghiệp vụ khác tại VSDC như: đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, chuyển khoản chứng khoán, đăng ký giao dịch bảo đảm,...
Theo thông lệ chung của hầu hết các thị trường đang vận hành cơ chế CCP trên thế giới và khuyến nghị của IOSCO, cũng như yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của một số tổ chức xếp hạng quốc tế, bộ phận thực hiện chức năng CCP cần được tổ chức thành một pháp nhân riêng, độc lập, để phòng ngừa và kiểm soát rủi ro cho VSDC nói riêng và toàn TTCK nói chung.
Do đó, cần thiết nghiên cứu, bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thành lập công ty con của VSDC để triển khai chức năng CCP, đảm bảo hoạt động này hiệu quả, an toàn và đúng thông lệ quốc tế.
Chí Kiên