Vietstock - Kinh doanh khả quan, cổ phiếu ngành thiết bị điện tăng mạnh
Là một trong những ngành công nghiệp then chốt, có nhiều cơ hội để phát triển, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thiết bị điện tương đối khả quan trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giá cổ phiếu theo đó tăng lên.
Chỉ số ngành thiết bị điện thường xuyên tăng với mức tăng thuộc nhóm cao nhất thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian gần đây.
Giá cổ phiếu tăng mạnh
Tính từ đầu năm đến hết ngày 25/10/2021, hầu hết cổ phiếu ngành thiết bị điện đều tăng giá, theo dữ liệu VietstockFinance.
Thậm chí, 2 cổ phiếu có mức tăng giá gần bằng lần là MBG của CTCP Tập đoàn MBG (HNX: MBG) - tăng trên 98%, và SAM (HM:SAM) của CTCP SAM HOLDINGS (HOSE: SAM) - tăng gần 95%.
Trong 9 tháng đầu năm, MBG ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 26% và lãi ròng tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Đối với SAM, doanh thu giảm nhẹ gần 4% nhưng lãi ròng lại tăng đến 26% so cùng kỳ.
Bức tranh kinh doanh 9 tháng đầu năm tương đối khả quan
Chín tháng đầu năm, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nặng nề hơn năm trước nhưng nhiều doanh nghiệp ngành thiết bị điện vẫn báo lãi ròng tăng trưởng.
Mức tăng trưởng lãi ròng cao nhất thuộc về CTCP Cơ điện Thủ Đức (HOSE: EMC) - tăng gần 76%, dù doanh thu thuần giảm nhẹ 6%.
Tiếp đến là CTCP Bóng đèn Điện Quang (HOSE: HM:DQC), với lãi ròng tăng gần 60%, trong khi doanh thu thuần giảm 26% so cùng kỳ.
Tập đoàn GELEX (HOSE: GEX) tăng trưởng cả doanh thu thuần và lãi ròng, với mức tăng lần lượt gần 59% và 56%.
Dây cáp Điện Việt Thái (HNX: VTH) chuyển từ lỗ ròng 2.7 tỷ đồng cùng kỳ thành lãi ròng 3 tỷ đồng trong kỳ này.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp giảm lãi ròng, với mức giảm nhiều nhất thuộc về CTCP Viettronics Tân Bình (HOSE: VTB) - giảm gần 83%. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần VTB giảm mạnh hơn 20% so cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, chỉ có doanh nghiệp thiết bị điện duy nhất bị lỗ là CTCP Đầu tư DNA (HNX: KSD). Tuy nhiên, mức lỗ ròng giảm còn 1.5 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ hơn 5.8 tỷ đồng.
Cơ hội nào cho các doanh nghiệp ngành thiết bị điện?
Sản xuất thiết bị điện là một trong những ngành công nghiệp then chốt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện điện khí hóa nói riêng và công nghiệp hóa nói chung. Ngoài việc cung cấp các trang thiết bị chủ yếu để phát triển lưới điện, các sản phẩm thiết bị kỹ thuật điện còn là những bộ phận quan trọng trong các thiết bị công nghệ, phục vụ hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp tiêu dùng... Đồng thời, thiết bị điện cũng đóng vai trò quan trọng trên hệ thống truyền tải và phân phối điện.
Với tiềm năng tiêu thụ rộng lớn trong và ngoài nước, ngành này có cơ hội lớn để phát triển, dù có những khó khăn.
Hầu hết sản phẩm thiết bị điện được sản xuất tại Việt Nam đều chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm từ các nước láng giềng như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia,… Các sản phẩm ngoại nhập có sự đa dạng và phong phú về chủng loại, một số có giá thành rẻ hơn sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, ngành sản xuất thiết bị điện Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể, các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện nhiều chiến lược khác nhau nằm nâng cao vị thế cạnh tranh cũng như sản xuất được nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với thị trường trong nước, theo quy định số 48/2008/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, giai đoạn từ 2015-2025, ngành sản xuất thiết bị điện sẽ phải đầu tư và phát triển để đáp ứng 70% nhu cầu trong nước về những thiết bị đường dây, trạm biến áp; 55% nhu cầu về động cơ điện và một số loại máy phát điện thông dụng. Đến năm 2025, các sản phẩm trong nước có thể cung cấp trọn bộ thiết bị điện cho các công trình đường dây điện, trạm biến áp,… Với kế hoạch trên, đây là cơ hội lớn với các doanh nghiệp ngành sản xuất thiết bị điện. Ngoài ra, một thị trường tiềm năng khác chính là mạng lưới điện quốc gia ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo,… Những khu vực này sẽ khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên để sản xuất điện - một thị trường tiềm năng cho các đơn vị sản xuất thiết bị điện trong nước.
Với thị trường xuất khẩu, Lào và Campuchia là 2 đích đến tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam vì họ đang đẩy mạnh tỷ lệ hộ được cấp điện trong cả nước nhưng khả năng trong nước lại không đủ cung cấp.
Gia Nghi