Vietstock - Góc nhìn 16/07: Tiếp tục giằng co?
Công ty chứng khoán (CTCK) Beta nhận định trong tuần này có phiên giao dịch đáo hạn phái sinh bên cạnh đà bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu nên dễ xuất hiện những biến động mạnh khó lường. Nhà đầu tư được khuyên giao dịch thận trọng.
Trong ngắn hạn chú ý cổ phiếu nhạy với thị trường
CTCK Đông Á (DAS): Thị trường giao dịch chậm trong phiên đầu tuần 15/07, VN-Index trong trạng thái giằng co, chuyển từ trạng thái tăng đầu ngày sang giảm nhẹ vào lúc đóng cửa thị trường.
Sau khi không vượt được mốc tâm lý VN-Index 1,300 điểm, nhà đầu tư thận trọng và chốt lời trên nhóm tăng nhiều trong đợt vừa qua như cổ phiếu công nghệ, bán lẻ, hàng không, và ưu ái nhóm cổ phiếu cơ bản, có tin tức hỗ trợ như chốt quyền chia cổ tức tiền mặt...
Khối ngoại tiếp tục có phiên bán ròng với giá trị lớn. Thanh khoản thị trường giảm phiên tứ 4 liên tiếp, lực cầu yếu. Báo cáo tài chính quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ dần được công bố trong những tuần tới, với kỳ vọng tích cực ở nhóm cổ phiếu ngân hàng.
VN-Index vẫn trong xu hướng tăng trung hạn, nhà đầu tư có thể tiếp tục giải ngân theo kế hoạch đầu tư trung dài hạn, quan tâm nhóm cổ phiếu sản xuất cơ bản và thiết yếu như ngân hàng, dầu khí, công nghệ, khu công nghiệp. Đối với các giao dịch ngắn hạn chú ý cổ phiếu nhạy với thị trường như bất động sản vốn hóa vừa, chứng khoán.
Thận trọng quan sát trong vùng 1,275 - 1,280 điểm?
CTCK BIDV (HM:BID) (BSC): Ở góc độ kỹ thuật, ngưỡng 1,280 điểm tiếp tục được kiểm định, trong những diễn biến tiếp theo trạng thái giằng co của VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra và 1,275 - 1,280 điểm sẽ là vùng cần thận trọng quan sát. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý.
Khó tích cực trong ngắn hạn
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường tiếp tục có một phiền điều chỉnh thứ 4 liên tiếp với áp lực bán giảm nhẹ ở mức thấp hơn mức trung bình 20 phiên. CTCK đánh giá lực cung vẫn đang trong tầm kiểm soát và chưa quá tiêu cực trong ngắn hạn bởi trong những nhịp điều chỉnh giảm, thị trường cũng không chứng kiến sự hoảng loạn.
Lực cầu vẫn được CTCK đánh giá là vẫn trong trạng thái phòng thủ nên chỉ số sẽ khó tích cực trong ngắn hạn. Do đó, CTCK duy trì quan điểm kỳ vọng VN-Index tìm được điểm cân bằng tại vùng 1,265-1,275 điểm (MA20), nhà đầu tư cân nhắc chú ý giải ngân.
Tiếp tục giằng co
CTCK KB (KBSV): Nhịp điều chỉnh của của VN-Index với độ dốc đã có phần thoải hơn đi kèm thanh khoản suy yếu dần. Đồng thời, 2 đường MA20 và MA50 ngày đang có tín hiệu đi ngang và chụm lại, cho thấy thế giằng có nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong những phiên tới.
Mặc dù VN-Index đang thiếu các dòng cổ phiếu dẫn dắt đủ để tạo dựng một nhịp tăng mạnh, nhưng sự luân phiên tăng thành các nhịp ngắn của một số mã vẫn đang đủ sức giúp giữ nhịp cho xu hướng tăng chung. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể trải mua lại từng phần vị thế trading khi chỉ số lùi về các ngưỡng hỗ trợ.
Ngắn hạn vẫn tích cực nhưng cần thêm động lực
CTCK Beta: Trong ngày giao dịch đầu tuần phiên 15/07, VN-Index đã có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp khi đóng cửa giảm nhẹ 0.93 điểm (-0.07%), đóng cửa tại mốc 1,279.82 điểm. Thanh khoản khớp lệnh tiếp tục suy yếu khi giảm 17.87% so với ngày giao dịch trước, cho thấy dòng tiền vẫn đang tỏ ra khá thận trọng, đặc biệt trước áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng.
Theo quan điểm kỹ thuật, mặc dù xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn đang duy trì trạng thái tích cực, tuy nhiên, sức mạnh xu hướng đang cho thấy sự suy yếu khi đường MACD tiếp tục thu hẹp khoảng cách với đường Tín hiệu, đồng thời cặp (DI+, DI-) cho tín hiệu tiêu cực. Nhiều khả năng thị trường đang cần sự tích lũy để chờ động lực tăng trưởng mới cũng như sự đồng thuận của dòng tiền trước khi bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1,280 – 1,300 điểm, với vùng hỗ trợ ngắn hạn 1,250 – 1,260 điểm.
Trong tuần này có phiên giao dịch đáo hạn phái sinh bên cạnh đà bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu nên dễ xuất hiện những biến động mạnh khó lường, nhà đầu tư cần thận trọng trong giao dịch nhằm hạn chế những rủi ro do những biến động ngắn hạn có thể gây ra.
Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang có sự phân hóa và tập trung hướng vào những nhóm cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2/2024, cũng như trong năm 2024. Nhà đầu tư nên xem xét duy trì tỷ trọng tiền mặt hợp lý để có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh nhằm tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng tốt và tiềm năng tăng trưởng khả quan với định giá hợp lý.
* Tiếp tục cập nhật
Tử Kính