Vietstock - Futabuslines đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Futabuslines và Thành Hiệp Phát góp vốn thành lập công ty để thực hiện dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Công ty TNHH Trạm dừng nghỉ FUTA cho biết, trạm dừng nghỉ ngoài mục tiêu phục vụ khai thác đường cao tốc còn có thể kinh doanh nên trạm dừng nghỉ được định hướng đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa được đầy đủ, chưa rõ ràng, nên việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp khó khăn, vướng mắc, chưa bảo đảm khai thác đồng bộ với đường cao tốc. Chính vì vậy, đến nay trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía ông mới đưa vào khai thác 6 trạm, đang đầu tư 3 trạm; còn lại 32 trạm chưa được đầu tư.
Trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nằm trong mạng lưới trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 938/QĐ-BGTVT.
Ngày 21/06/2024, Cục trưởng Cục đường cao tốc Việt Nam đã ban hành Quyết định số 111 QĐ-CĐCTVN phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo đó, Công ty TNHH Trạm dừng nghỉ FUTA được lựa chọn là chủ đầu tư dự án.
Phối cảnh dự án Trạm dừng chân FUTA
|
Trạm dừng nghỉ FUTA có trụ sở tại quận 1, TPHCM do bà Trần Thị Hoa Xim làm Tổng Giám đốc. Tiến độ thực hiện dự án từ quý 1/2025 – 4/2025. Dự án có tổng diện tích 11.9ha gồm trạm dừng nghỉ trái tuyến – trạm 1 diện tích 5.7ha và trạm dừng nghỉ phía phải tuyến – trạm 2 diện tích 6.2ha. Dự án thuộc địa phận xã Xuân Hoà, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài 99km, trong đó đoạn đi qua Bình Thuận dài 47.5 km và đoạn đi qua Đồng Nai dài 51.5 km, có điểm đầu tại Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, kết nối với đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; điểm cuối tại xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nối tiếp với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp có chiều rộng từ 25 - 27m, tốc độ 120 km/h. Các hạng mục công trình dự án gồm bãi đỗ xe, shop bán hàng, ăn nhẹ, café, khu vui chơi trong và ngoài nhà, văn phòng ban quản lý, nhà nghỉ cho tài xế, trạm bảo dưỡng xe, trạm xăng dầu, trạm sạc xe điện…
Hiện trạng sử dụng đất toàn bộ 11.9ha đang là đất trồng cây lâu năm. Tại báo cáo ĐTM công bố tháng 12/2024, chủ đầu tư cho biết, đối với các hộ nông nghiệp, mất một phần hoặc toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đồng nghĩa với việc giảm hoặc mất nguồn sống, không chỉ trong thời gian trước mắt mà còn kéo dài qua nhiều thế hệ do đất là tư liệu sản xuất không thể tái tạo. Do họ rất khó để mua được một diện tích đất nông nghiệp tương đương vì các địa phương khu vực tuyến dự án đi qua không còn đất nông nghiệp để đền bù cho các hộ gia đình bị dự án chiếm dụng.
Các hộ mất đất nông nghiệp cũng gặp khó khăn khi chuyển từ nghề nông sang các ngành nghề khác bởi vì phần lớn những người ở độ tuổi lao động của các hộ bị thu hồi đất này chưa được đào tạo qua các trƣờng dạy nghề. Phần lớn họ là những nông dân ở địa phương không có kỹ năng làm việc trong các nhà máy, công ty. Tuy nhiên, đất nông nghiệp của các hộ dân chỉ bị dự án chiếm dụng một phần nhỏ trong tổng số diện tích đất nông nghiệp của mỗi hộ, nên thiệt hại do giảm nguồn thu nhập từ diện tích đất nông nghiệp bị dự án chiếm dụng là không nhiều. Nếu có chính sách đền bù thỏa đáng, phù hợp với nguyện vọng người dân thì các tác động do chiếm dụng đất canh tác của dự án được giảm thiểu đến mức thấp nhất.
Vị trí trạm dừng chân FUTA
|
Vị trí và quy mô một số trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông
|
Theo quyết định 121/QĐ-CĐCTVN tháng 12/2023 của Cục đường cao tốc Việt Nam, dự án trạm dừng nghỉ Km47+500 có sơ bộ chi phí thực hiện gần 289 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền thuê đất. Nguồn vốn đầu tư gồm vốn xã hội hóa từ 100% vốn của nhà đầu tư; vốn huy động (gồm vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn hợp pháp khác); vốn từ Nhà nước đã chi trả trong giai đoạn chuẩn bị dự án như giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí tổ chức mời thầu… sẽ được nhà đầu tư hoàn trả theo quy định Thông tư 01/2023/TT-BGTVT. Tiến độ thực hiện 18 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng. Thời gian khai thac dự án 25 năm sau khi hoàn thành đầu tư.
Quyết định 111/QĐ-CĐCTVN tháng 06/2024 cho biết, nhà đầu tư trúng thầu là liên danh CTCP Xe khách Phương Trang Futabuslines và Công ty TNHH Thành Hiệp Phát. Giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước là 260 tỷ đồng; giá trị sơ bộ chi phí thực hiện dự án gần 291 tỷ đồng; giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 3.3 tỷ đồng.
Theo đó, Công ty TNHH Trạm dừng nghỉ Futa được thành lập vào đầu tháng 08/2024 với ngành nghề chính là đầu tư xây dựng, khai thác, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật theo phương thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh- chuyển giao (BOT). Vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó, Thành Hiệp Phát góp 60%, Futabuslines 40%.
Thành Hiệp Phát thành lập từ năm 2004, trụ sở ở TPHCM; hiện có vốn điều lệ 850 tỷ đồng (vừa tăng từ 650 tỷ đồng hồi tháng 07/2024), trong đó ông Cao Thái Hùng nắm 69%, ông Đào Viết Ánh (giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) 31%. Ông Ánh cũng là Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật Futabuslines. Ngoài ra, ông Hùng còn là Tổng Giám Đốc CTCP BĐS Phương Trang tại Đà Nẵng.
* Siêu đô thị lấn biển Thuận Phước – Đà Nẵng 11.5 ngàn tỷ đồng khi nào khởi công?
Thu Minh