Vietstock - Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa Nghị định 155: Gỡ vướng cho nhà đầu tư ngoại, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Nghị định 155/2020 (sửa đổi) được chia thành 3 nhóm chính sách như sau: Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, thống nhất trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK); Hoàn thiện các quy định để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên TTCK, đảm bảo an toàn cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, hướng đến mục tiêu nâng hạng TTCK bền vững; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Ngày 29/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, trong đó có Luật Chứng khoán (có hiệu lực ngày 01/01/2025).
Từ đó, cần quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (sửa đổi). Để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trên thực tiễn và quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (sửa đổi) nêu trên, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 54/2019 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định (sửa đổi)) nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong việc hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, phù hợp với Luật Chứng khoán (sửa đổi), khắc phục một số bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Sửa đổi chính sách với 3 mục tiêu chính
Theo đó, Nghị định sẽ được sửa đổi, bổ sung theo các mục tiêu sau:
Thứ nhất, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn;
Thứ hai, bổ sung một số nội dung hướng dẫn chi tiết thi hành theo điều giao tại Luật Chứng khoán (sửa đổi) (sửa đổi) và rà soát, sửa đổi các nội dung tại Nghị định 155 để phù hợp với Luật Chứng khoán (sửa đổi);
Thứ ba, bổ sung quy định để đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) để triển khai: (i) Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); và (ii) các phương án đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định (sửa đổi) theo 3 nhóm chính sách như sau: (i) Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, thống nhất trong hoạt động về chứng khoán và TTCK; (ii) Hoàn thiện các quy định để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên TTCK, đảm bảo an toàn cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, hướng đến mục tiêu nâng hạng TTCK bền vững; (iii) Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Trong đó, dự thảo đề xuất sửa đổi các điều luật liên quan tới hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán; niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; các quy định về quản trị công ty đại chúng; đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán. Đồng thời, luật cũng hướng tới mở cửa tiếp cận thị trường chứng khoán với nhà đầu tư nước ngoài.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm minh bạch hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Theo đó, đơn giản hóa các nhóm thủ tục liên quan tới tổ chức kinh doanh chứng khoán và nhóm quy định liên quan đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.
Mở cửa tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Dự thảo bỏ quy định tại Điều 139 (Nghị định 155) cho phép ĐHĐCĐ, Điều lệ công ty đại chúng được quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn quy định pháp luật, trừ trường hợp có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo quyền lợi của cổ đông nước ngoài theo Luật Doanh nghiệp, cũng như giảm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) khi họ không lường được các thay đổi từ doanh nghiệp, từ đó tăng tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam, thu hút NĐTNN; đồng thời sửa tương ứng quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng.
Tại Điều 141, Điều 142 làm rõ trách nhiệm thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của doanh nghiệp cổ phần hóa là công ty đại chúng niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.
Tại khoản 1 Điều 143 làm rõ các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, bao gồm cả quỹ thành viên phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên thị trường chứng khoán như nhà đầu tư nước ngoài khi có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Bổ sung quy định tại Điều 310 quy định thời hạn các công ty đại chúng phải hoàn thành thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (trong vòng 6 tháng, kể từ ngày Nghị định sửa đổi có hiệu lực thi hành), do hiện nay nhiều công ty đại chúng chưa hoàn thành thủ tục này nên thị trường chưa phản ánh đúng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng. Việc bổ sung quy định này cũng nhằm đảm bảo công ty đại chúng tuân thủ pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành và các điều ước quốc tế có liên quan, phục vụ mục tiêu nâng hạng TTCK.
Tại Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định theo hướng NĐT chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm tổ chức, cá nhân nước ngoài, qua đó góp phần thu hút các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam. Do đó, tại Điều 5 về Tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã bổ sung quy định về việc sử dụng các giấy tờ, tài liệu báo cáo chứng minh tương thích với giấy tờ, tài liệu của nước ngoài… khi xác định nhà đầu tư nước ngoài.
Yến Chi