Phó Tổng Giám đốc Trần Thế Anh cho biết các thông tin về việc nâng khống vốn của FLC (HM:FLC) Faros (ROS) chỉ là các cáo buộc và nghi ngờ, chưa phải kết luận chính thức. Tại ĐHCĐ bất thường tổ chức vào sáng nay (ngày 2/11), CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: HM:ROS), ban lãnh đạo đã giải đáp thắc mắc của cổ đông về nhiều vấn đề đáng chú ý như: kết quả kinh doanh, thực hư vụ tăng vốn "ảo" và cơ cấu lãnh đạo của Công ty
Về cơ cấu HĐQT, ông Trần Thế Anh, Phó Tổng Giám đốc thường trực FLC Faros, cho biết đại hội bất thường ngày 2/11 sẽ bầu bổ sung hai thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2021 – 2026 để đảm bảo có đủ tối thiểu ba thành viên theo yêu cầu của Luật Doanh nghiệp. Đến chiều cùng ngày, HĐQT mới sẽ bầu ra Chủ tịch.
Sau đó, ROS sẽ làm thủ tục với Phòng Đăng ký Kinh doanhn– Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội để đăng ký người đại diện theo pháp luật.
Theo ông Thế Anh, thông thường, thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật này chỉ cần 3-4 ngày là hoàn thành. Tuy nhiên, FLC Faros đang liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số doanh nghiệp khác nên thủ tục thực tế có thể mất khoảng 10-15 ngày.
Về tình hình kinh doanh, ban lãnh đạo FLC Faros cho biết công ty đang sản xuất kinh doanh “tương đối bình thường”, dù vậy cũng gặp phải một số khó khăn chứ không thể bình thường 100%.
Cụ thể, Công ty không thể xuất hóa đơn khi giao dịch với đối tác do không có đủ chữ ký của người phụ trách kế toán cũng như của thủ trưởng đơn vị. Nguyên nhân là Chủ tịch Hương Trần Kiều Dung bị tạm giam, tân Chủ tịch Nguyễn Bình Phương không được công nhận là người đại diện theo pháp luật, Phó TGĐ Nguyễn Thiện Phú là người phụ trách tài chính kế toán cũng bị khởi tố.
“Có chủ đầu tư đã đặt câu hỏi về khả năng hoạt động lâu dài của công ty”, ông Trần Thế Anh nói với cổ đông sáng 2/11. Tuy nhiên, lãnh đạo FLC Faros cũng khẳng định công ty luôn cố gắng tối đa nhằm duy trì hoạt động xây dựng tại các dự án.
Phó Tổng Giám đốc Lê Tuấn Hùng cho biết nguồn lực của công ty hiện nay đang khá hạn chế nên phải ưu tiên các dự án nhà ở do đây là những công trình có thể nhanh chóng đem về doanh thu lớn. Ngược lại, FLC Faros tạm dừng một số công trình để kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng, sân golf Ông Hùng nhấn mạnh công ty không ngừng hoàn toàn dự án nào mà chỉ dừng tạm thời để ưu tiên nguồn lực trong giai đoạn khó khăn.
Về báo cáo tài chính, ROS chia sẻ cần có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật. Từ tháng 4 đến nay, FLC Faros không có người đại diện theo pháp luật nên không thể công bố bất cứ báo cáo tài chính nào.
Mặt khác, do công ty không xuất được hóa đơn nên cũng không có căn cứ để hạch toán doanh thu, lợi nhuận và ban lãnh đạo không thể tiết lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022.
Sau khi đại hội cổ đông bất thường sáng 2/11 bầu bổ sung HĐQT và HĐQT chọn được Chủ tịch, FLC Faros mới có thể làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật và công bố các báo cáo tài chính năm 2021 tự lập.
ROS sẽ tìm công ty kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 theo sự ủy quyền của đại hội cổ đông bất thường. Sau khi chọn được công ty kiểm toán đủ điều kiện, FLC Faros sẽ phối hợp làm việc để công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Sau đó, công ty mới có thể công bố báo cáo tài chính 3 quý đầu năm 2022.
Về thời gian ROS được giao dịch lại, FLC Faros cần hoàn thành thủ tục thay đổi người đại diện và kiểm toán báo cáo tài chính để đáp ứng nghĩa vụ công bố thông tin. Sau đó, cổ phiếu ROS mới có thể được xem xét niêm yết và giao dịch trở lại trên sàn HOSE.
Việc giao dịch cổ phiếu ROS ở HOSE phụ thuộc vào nhiều điều kiện nên ban lãnh đạo công ty chưa thể nói trước thời điểm quay lại cụ thể.
Ông Trần Thế Anh cho biết kể cả khi ROS không niêm yết ở HOSE, quyền sở hữu của cổ đông vẫn luôn được đảm bảo. Trước khi ROS lên sàn, nhà đầu tư từng mua bán cổ phiếu này thông qua thị trường phi tập trung OTC. Hiện nay cổ đông cũng có thể sử dụng phương thức giao dịch OTC này.
Trước đó, cổ phiếu ROS bị hủy niêm yết từ ngày 5/9 do chậm công bố báo cáo tài chính
Về việc tăng vốn điều lệ "thần tốc", ông Trần Thế Anh cho biết các thông tin về việc nâng khống vốn của FLC Faros chỉ là các cáo buộc và nghi ngờ, chưa phải kết luận chính thức.
Các lãnh đạo của FLC Faros đang làm việc với cơ quan công an tại trụ sở công ty cũng như tại trụ sở Bộ Công an. Công an tại một số địa phương cũng mời nhiều cổ đông ROS tới làm việc về vụ án nâng khống vốn điều lệ tại FLC Faros lên 4.300 tỷ đồng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Sau khi cơ quan công an ban hành kết luận điều tra thì phải chuyển sang Viện Kiểm sát để xem xét, theo dõi quá trình điều tra. Sau đó Viện Kiểm sát mới tống đạt quyết định chuyển sang bên tòa án”, ông Thế Anh nói. “Tòa sơ thẩm rồi đến phúc thẩm, thậm chí nếu kháng cáo thì có cả giám đốc thẩm hoặc tái thẩm khi có tình tiết mới”. Phó TGĐ FLC Faros cho biết hiện chưa thể khẳng định công ty tăng vốn khống.
ROS - Vốn ảo, thiệt hại thật và hành trình lách luật của "đế chế" FLC