Vietstock - Thay đổi tư duy để định vị lại cho tương lai
Năm 2021 chắc chắn là một năm vô cùng đặc biệt, không chỉ ở bình diện toàn cầu, đối với xã hội Việt Nam, mà còn đối với mỗi cá nhân chúng ta. Những gì diễn ra trong một năm qua đang đặt ra rất nhiều câu hỏi còn đó về thời cuộc và định hướng phát triển mà Chính phủ, doanh nghiệp và mỗi cá nhân cần chọn một lời giải trước bối cảnh bình thường mới sắp tới.
Những gì diễn ra trong suốt một năm qua cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang mong manh đến dường nào. Chúng ta không chỉ mong manh về kinh tế, về điều kiện xã hội mà còn cả về vấn đề niềm tin. Việc đánh giá lại về bản chất của những thực trạng đang diễn ra trong nền kinh tế sẽ là những tiền đề quan trọng để biết mình cần làm gì trong tương lai sắp tới.
Chúng ta ở đâu trên bản đồ thế giới?
Một chỉ số mang tên Good Country Index (tạm dịch là Chỉ số quốc gia tử tế) đã được Simon Anholt lập ra để so sánh về mức độ đóng góp của các quốc gia trên thế giới đối với các vấn đề phát triển chung của nhân loại, trên tất cả lĩnh vực từ khoa học, chính trị, văn hóa cho đến môi trường. Chỉ số không đánh giá các yếu tố về đạo đức hay các vấn đề liên quan, mà chủ yếu dựa vào các biến đại diện là các chỉ số vĩ mô được công bố chính thức toàn cầu. Các chỉ số sẽ cho thấy các khía cạnh đóng góp của các quốc gia cho các vấn đề bên ngoài quốc gia của mình.
Kết quả của thứ hạng có thể mang đến cho chúng ta nhiều suy nghĩ khi Việt Nam xếp 138/149 quốc gia được xếp hạng. Mức xếp hạng này còn thấp hơn một số quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn chúng ta như Campuchia và Mông Cổ. Đây là một chỉ số độc lập cho mục đích tham khảo để biết được một góc nhìn của thế giới về chúng ta như thế nào.
Mức xếp hạng của Việt Nam về những tiêu chí như văn hóa và trật tự thế giới đều đang nằm vào nhóm 5 quốc gia thấp nhất. Trong yếu tố văn hóa đó, yếu tố về sáng tạo trong các sản phẩm và dịch vụ mà Việt Nam đang cung cấp cho thế giới gần như rớt vào nhóm thấp điểm nhất. Sự hạn chế trong tính sáng tạo của sản phẩm cũng góp phần giải thích tại sao các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn chỉ có thể xuất khẩu các sản phẩm thô và trong nhóm các doanh nghiệp có thương hiệu tầm cỡ khu vực thì Việt Nam cũng có rất ít doanh nghiệp có thể lọt vào nhóm này.
Nền giáo dục hiện tại đã và đang đào tạo chúng ta theo hướng phải luôn đạt được các kết quả ngắn hạn. Tuy nhiên, những suy nghĩ như vậy đã vô tình gieo nên sự sợ hãi thất bại trong những người trẻ và vô tình khiến cho các cá nhân có khuynh hướng đưa ra các lựa chọn an toàn. |
Chúng ta vẫn tự hào về tốc độ tăng trưởng kinh tế vào hàng cao nhất thế giới hay mức tăng trưởng xuất khẩu rất cao, nhưng bài toán cuối cùng mà mọi quốc gia đều phải giải quyết đó là vấn đề về an sinh và phúc lợi của người dân. Người Việt Nam vẫn rất nhạy cảm với các hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, đỉnh điểm nhất là những tranh luận về việc có nên tiêm vaccine Vero Cell của Trung Quốc hay không trong những tháng trước, dù tình hình dịch bệnh thời điểm đó rất căng thẳng.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng hàng năm con số nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hơn 107,5 tỉ đô la Mỹ, tương đương với gần 38,7% GDP của Việt Nam. Con số này đã tăng lên rất nhiều so với mức khoảng 1 tỉ đô la, chỉ tương đương với gần 2,9% GDP 20 năm trước. Một quốc gia khi không thể chủ động được nguồn sản xuất hàng hóa trong nước sẽ rất khó để có thể đảm bảo sự phát triển bền vững. Sự gia tăng mạnh mẽ của các hàng hóa nhập khẩu lại càng khiến cho ngành sản xuất trong nước thụt lùi. Hàng hóa sản xuất kém cạnh tranh khiến cho các doanh nghiệp startup Việt Nam đều có khuynh hướng làm dịch vụ hơn là lĩnh vực sản xuất.
Việc mua đi bán lại hàng hóa để kiếm lời không phải là một việc dễ dàng, tuy nhiên nó dễ hơn nhiều so với việc phải bỏ ra chi phí đầu tư và nghiên cứu sản phẩm, sau đó làm sao để sản xuất sản phẩm với quy mô tối ưu. Việc khởi nghiệp để sản xuất một sản phẩm đòi hỏi các chủ doanh nghiệp một tư duy trừu tượng để nắm bắt các nhu cầu hiện có ngoài thị trường, để từ đó chuyển hóa thành những sản phẩm hữu hình. Phần lớn các sản phẩm có thể tạo ra những đột phá kinh tế cho quốc gia lại bắt đầu với một điều gì đó rất mơ hồ và đòi hỏi một quá trình nghiên cứu (R&D). Tuy nhiên, liệu môi trường xung quanh của chúng ta hiện tại có đang thuận lợi để phát triển những tư duy trừu tượng hay không lại là một vấn đề.
Tư duy trừu tượng và khả năng làm việc trong môi trường không chắc chắn
Trong những phần diễn giải cho sinh viên về chủ đề tư duy trừu tượng trong vấn đề nắm bắt các thông tin, một ví dụ tôi đưa ra trong suốt mười năm qua là liệu có khả thi cho việc xây dựng một khách sạn trên cung trăng hay không. Cái tôi nhận được đều là những nụ cười và những lập luận cho thấy điều đó là không thể. Phần lớn các ý tưởng đều không khả thi cho đến khi chúng ta biến những điều đó trở thành khả thi. Đó là nền tảng quan trọng để xã hội nhân loại có thể trở nên văn minh chỉ trong vòng hơn 400 năm qua so với thời kỳ lạc hậu kéo dài suốt hàng chục ngàn năm trước. Tư duy trừu tượng giúp chúng ta trả lời những câu hỏi về việc đâu sẽ là các vấn đề mắc mớ để vấn đề đó có thể được giải quyết và liệu khi nào thì những yếu tố đó sẽ có thể xảy ra.
Cách đây vài tháng, tôi bất ngờ thấy một dòng tin về việc dự án SpaceX Vehicle sẽ khởi công thực hiện dự án khách sạn ngoài không gian vào năm 2026. Câu chuyện của SpaceX đang cho thấy lịch sử phát triển của con người là lịch sử chứng minh những gì không thể trở thành có thể.
Nền giáo dục hiện tại đã và đang đào tạo chúng ta theo hướng phải luôn đạt được các kết quả ngắn hạn. Tuy nhiên, những suy nghĩ như vậy đã vô tình gieo nên sự sợ hãi thất bại trong những người trẻ và vô tình khiến cho các cá nhân có khuynh hướng đưa ra các lựa chọn an toàn. Việc cân đối lựa chọn giữa lợi nhuận và rủi ro không có gì sai ở tầm cá nhân, nhưng khi những yếu tố đó hội tụ ở tầm quốc gia thì có thể sẽ tạo ra những trở ngại cho sự phát triển của quốc gia trong dài hạn.
Tư duy tranh luận và tư duy thay đổi
Người Việt rất giỏi, tuy nhiên có lẽ cái tôi của mỗi người lại đang rất lớn so với yêu cầu của sự đại đoàn kết toàn dân trong quá trình phát triển. Điều đó có thể xuất phát từ yếu tố lịch sử, khi sau 1.000 năm Bắc thuộc thì lịch sử của nước ta trong phần lớn các giai đoạn là sự chia cắt về địa lý và tư tưởng. Tư duy khác biệt văn hóa vùng miền vẫn là một yếu tố rất lớn trong trở ngại cho quá trình phát triển của chúng ta hiện nay. Điều đó thể hiện rất rõ trong quá trình tranh luận của chúng ta với nhau. Mọi người đều có cái lý của mình về mọi vấn đề, mọi giải pháp về các vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên có lẽ chúng ta vẫn đang muốn cái đúng đó phù hợp với cái chúng ta muốn nó đúng hơn là một cái đúng thật sự dựa trên bản chất của nó.
Sự gia tăng mạnh mẽ của các hàng hóa nhập khẩu càng khiến cho ngành sản xuất trong nước thụt lùi. Hàng hóa sản xuất kém cạnh tranh khiến cho các doanh nghiệp startup Việt Nam đều có khuynh hướng làm dịch vụ hơn là lĩnh vực sản xuất. |
Giới trí thức của nước ta dường như đang sa vào việc cãi nhau không hồi kết trên các trang mạng xã hội về những chủ đề như sắp tới nên đầu tư bất động sản, chứng khoán hay bitcoin, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng hay giảm lãi suất, hay thậm chí đơn giản Việt Nam thua Thái Lan là do đẳng cấp hay thiếu may mắn. Sự tranh luận nhằm mục đích giúp đỡ nhau tiến bộ, nhưng có vẻ chúng ta vẫn muốn tranh luận để thắng hơn là để hiểu nhau hơn. Sự chỉ trích rất gay gắt của xã hội cho những suy nghĩ trái chiều một cách thiếu văn minh khiến cho phần lớn chúng ta đều rất ngại đưa ra những suy nghĩ cá nhân vì sợ sẽ nhận phải “gạch đá”.
Thay vì lo ngại về những thất bại trong tranh luận về quan điểm thì thay vì đó những suy nghĩ của xã hội, nên hướng về việc làm sao cùng nhau và cùng với Chính phủ giải quyết các bài toán lớn của quốc gia trong phạm vi chuyên môn của mình. Thay vì cạnh tranh với nhau thì sao lại không nghĩ chúng ta cần hợp tác với nhau để cạnh tranh với những Peter và Tony bên ngoài biên giới kia. Để cạnh tranh với những dân tộc khác, chúng ta không thể chỉ một mình.
Khi đó chúng ta sẽ cùng nghĩ về việc làm sao để có thể xây dựng được một hệ thống cung cấp thực phẩm tốt hơn khi tỷ lệ ung thư của chúng ta đang tiệm cận về nhóm các quốc gia nguy cơ nhất; hay chúng ta nên trả lời câu hỏi làm sao để cùng xây dựng một nền giáo dục tốt hơn cho con em mình thay vì dành thời gian chỉ trích về các sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hay chúng ta sẽ làm gì để ủng hộ nền y tế của nước nhà khi dân có vẻ ngày càng giàu lên nhưng an sinh y tế là một vấn đề mà ai cũng lo lắng. Đó là những gì mà nguồn lực xã hội cần hướng đến để tạo ra một Việt Nam khác hơn cho các thế hệ mai sau.
Xã hội thế giới và cả Việt Nam sẽ một lần nữa thay đổi rất lớn sau đại dịch. Những cơ hội sẽ mở ra cho nền kinh tế chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề ở đây đó là liệu chúng có thể cùng chúng ta để nhìn về cùng một hướng hay không.
Lê Hoài Ân