Vietstock - Hà Nội bổ sung 623 dự án và đưa ra khỏi danh mục 17 dự án thu hồi đất
Ngày 23/9, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua 17 Nghị quyết quan trọng. Trong đó đáng chú ý có Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2021…
|
Trên cơ sở rà soát yêu cầu sử dụng đất phát sinh trong năm, thành phố quyết định điều chỉnh, đưa ra khỏi danh mục đã duyệt 17 dự án thu hồi đất năm 2021 với tổng diện tích 49,21ha và 10 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích 14,19ha. Đồng thời, bổ sung danh mục 623 dự án thu hồi đất với diện tích 1.942,9ha và 352 dự án chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 486,11ha.
TOÀN THÀNH PHỐ CÓ 1.738 DỰ ÁN
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, Hà Nội có 1.738 dự án cần thu hồi đất, với diện tích 6.068,63ha; 663 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, với diện tích 1.064,58ha.
Đến nay, kết quả thu hồi đất trên địa bàn thành phố đã được thực hiện ở 857 dự án với diện tích 2.316,44ha, đạt 49,3% kế hoạch thu hồi đất năm 2021. Công tác giải phóng mặt bằng đạt 49,3% cao hơn 2,5% so với cùng kỳ năm 2020.
UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tiến độ triển khai và sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện theo tính cấp thiết của từng dự án. Trường hợp phát sinh yêu cầu sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án quan trọng, cấp bách vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà chưa có trong danh mục được HĐND thành phố thống nhất trước khi quyết định thu hồi đất và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Trong cuộc họp ngày hôm nay (23/9), HĐND TP. Hà Nội cũng đã tán thành thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”.
Qua những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cải tạo chung cư cũ trên thực tiễn, UBND TP dự kiến triển khai nhiều nhóm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy công tác này. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng, ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng. Phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội trong quý 2/2023.
DÀNH KHOẢNG 650.000 TỶ ĐỒNG CHO ĐẦU TƯ CÔNG
Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cũng đã được HĐND TP thông qua. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến dành 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công. Trong đó, bố trí hơn 83.337 tỷ đồng (5 năm) cho lĩnh vực giao thông để thực hiện 255 dự án. Mục tiêu là phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị...
Phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội như các đường Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5, Vành đai 4…; Các cầu lớn qua sông (Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); Các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình); Các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Ngoài ra, TP cũng cân đối bố trí vốn 6.200 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đồng thời, quy định rõ các nguồn vốn cho các các lĩnh vực kinh tế, thủy lợi, văn hóa, xã hội, giáo dục...
UBND TP Hà Nội cũng dự kiến bố trí nguồn vốn cho các dự án trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế của dự án đối với 34 dự án và các dự án lớn tại các đề án huyện thành lập quận giai đoạn 5 năm là 36.000 tỷ đồng. Để đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án lớn của TP, cho phép điều hành linh hoạt sử dụng nguồn vốn cải cách tiền lương còn dư chưa sử dụng, vay vốn nhàn rỗi kho bạc, nguồn vốn từ quỹ dự trữ tài chính… khi chưa huy động kịp thời từ các nguồn khác…
Phan Nam