Vietstock - Chuyển cổ phiếu từ HoSE sang HNX chỉ giải tỏa 'vấn đề tâm lý'?
Trong nhiều phương án “giải cứu” sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) chỉ có phương án chuyển cổ phiếu từ HoSE sang giao dịch trên HNX đang được triển khai. Tuy nhiên, nhìn vào chuyển động trên thực tế có thể nhận thấy việc chuyển sàn chỉ mang tính giải tỏa tâm lý nhà đầu tư hơn là hướng đến việc giảm tải thực sự cho HoSE.
Nhiều doanh nghiệp chấp nhận chuyển sàn để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh thì HoSE lại bổ sung thêm cổ phiếu mới. Ảnh minh họa: VND (HM:VND)
|
Sự cố quá tải hệ thống giao dịch của HoSE đang là tâm điểm gây xáo động các nhà đầu tư chứng khoán. Trong thời gian qua, mỗi khi giá trị giao dịch trên HoSE đạt ngưỡng 12.000 tỉ đồng thì tình trạng nghẽn lệnh sẽ xuất hiện chặn đứng cơ hội của các nhà đầu tư. Dễ nhận thấy khi tình trạng tắc nghẽn tại HoSE kéo dài, kế hoạch dịch chuyển dòng vốn “khu trú” tại Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã được một số doanh nghiệp triển khai.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cho biết, đã nhận được văn bản của ba doanh nghiệp đề nghị chuyển giao dịch cổ phiếu sang giao dịch tại sàn HNX. Cụ thể, ba công ty này đều thuộc hệ sinh thái của PAN (HM:PAN) Group gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty cổ phần Bibica và Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam.
Như vậy, nếu hoạt động này được hoàn tất, sàn HNX dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 65 triệu cổ phiếu chuyển đến từ sàn HoSE. Đây có thế là khối lượng cổ phiếu đầu tiên được dịch chuyển thông qua phương án chuyển sàn để chống nghẽn lệnh cho HoSE.
Dù phải nhờ HNX “cứu” bằng cách tiếp nhận một số cổ phiếu chuyển sàn nhưng hành động thực tế của HoSE lại cho thấy sự nghịch lý. Cụ thể, cùng lúc với việc tạm ngừng giao dịch của 65 triệu cổ phiếu của ba doanh nghiệp nói trên thì HoSE cũng chấp thuận cho 1,2 tỉ cổ phiếu của Seabank và 34,8 triệu cổ phiếu từ Công ty cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa vào giao dịch ngày 24-3 tới.
Chưa kể cách đây ít ngày HoSE cũng đã đưa 18 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần giấy Hoàng Hà Hải Phòng và hơn 15,1 triệu cổ phiếu của cổ phần thép VICASA vào giao dịch.
Dễ nhận thấy, số lượng cổ phiếu đăng ký chuyển đi để “giải cứu” cho HoSE chiếm tỷ lệ rất nhỏ so hàng tỉ cổ phiếu lại sắp được “chất” thêm lên sàn này. Với cơ cấu hoán đổi như vậy nhiều nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi việc chuyển sàn có thực sự mang lại hiệu quả và đạt mục đích thông nghẽn cho HoSE hay không? Hay phương án này chỉ là một giải pháp tình thế nhằm giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư trong bối cảnh nghẽn lệnh ngày càng trầm trọng.
Hiện vẫn chưa có tiêu chí cụ thể về các cổ phiếu sẽ phải “chuyển nhà”, nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ gây ra không it sự xáo trộn, thiệt thòi cho doanh nghiệp. Một vấn đề khác cũng được dư luận khá quan tâm là việc cần chuyển đi bao nhiêu mã mới đủ giảm tải cho HoSE, và liệu có chắc sẽ giúp thay đổi được tình trạng giao dịch hiện nay?
Tại văn bản của UBCKNN ban hành về phương án chuyển sàn có nhắc đến việc giải quyết cho “doanh nghiệp có nguyện vọng”. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có nguyện vọng “xuống hạng” để giảm tải cho HoSE thì ở chiều ngược lại vị trí họ dời đi lại được lấp vào một doanh nghiệp khác với khối lượng cổ phiếu lớn hơn là một nghịch lý.
Chưa kể, khi niêm yết trên HoSE, doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng gửi gắm rất nhiều kỳ vọng. Nay bị chuyển ngược thì ai sẽ bù đắp giá trị kỳ vọng? Và tiêu chí nào cho các cổ phiếu bị chuyển sàn để đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp?
Nhìn tổng quan, việc di dời, sắp đặt lại cổ phiếu giữa các sàn giao dịch cũng hướng đến một mục đích “thông nghẽn” cho HoSE trong thời gian chờ hệ thống giao dịch mới hoàn thiện. Tuy nhiên khi doanh nghiệp đã chấp chuyển ngược sàn nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, trong khi vị trí để lại được bổ sung một doanh nghiệp khác thì lợi ích của người ra đi đang phần nào bị xâm lấn.
V.Dũng