Vietstock - Tháng 2, VN-Index có thể đóng cửa dưới 900 điểm nếu diễn biến dịch bệnh tiêu cực
Các đợt dịch bệnh trong quá khứ đều tác động đến kinh tế các nước tâm dịch tuy nhiên yếu tố tâm lý và cách hành xử với dịch bệnh mới là yếu tố quyết định mức độ thiệt hại. Thị trường sụt giảm trên diện rộng, mặt bằng cổ phiếu giảm về mức thấp sẽ thu hút nhà đầu tư sớm trở lại.
Theo Báo cáo về Thị trường Chứng khoán (TTCK) tháng 1 và triển vọng tháng 2 năm 2020 của Bộ phận Phân tích CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC Research), tiến triển dịch virus corona rất đáng lo ngại và có thể tạo áp lực giảm điểm đối với VN-Index về các ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại 925 điểm và 880 điểm.
Tuy nhiên khi theo dõi diễn biến TTCK phản ứng với diễn biến dịch bệnh trong quá khứ, cũng như cân nhắc các yếu tố nội tại kinh tế và thị trường, BSC Research cho rằng đợt giảm điểm này đang mở ra cơ hội lớn với hoạt động đầu tư trung hạn. VN-Index dự báo chịu áp lực giảm điểm trong 1 – 2 tuần đầu tháng 2 với cường độ giảm dần và sẽ tích lũy hồi phục vào cuối tháng 2.
BSC đưa ra hai kịch bản tháng 2 như sau: (1) VN-Index dần thoát ly khỏi xu hướng tiêu cực, tích lũy trên 925 điểm và có thể tăng dần trên 950 điểm vào cuối tháng; (2) VN-Index có thể đóng cửa dưới 900 điểm nếu diễn biến dịch bệnh tiêu cực và áp lực thoái vốn từ khối ngoại tiếp diễn.
P/E đang ở vùng thấp trong vòng 4 năm
Theo BSC, mặt bằng định giá P/E của VN-Index đã giảm xuống mức 14.94 trong tháng 01/2020 và của HNX-Index đã giảm xuống mức 7.22. P/E của cả hai sàn đang ở vùng thấp trong vòng 4 năm qua. So với tháng 12/2019, P/E của chỉ số VN-Index trong tháng 01/2020 giữ nguyên vị trí thứ 13 và P/E của HNX-Index giữ ở vị trí thứ 20 trong khu vực Châu Á.
Nguồn: Bloomberg, BSC Research |
“2 phiên giao dịch cuối tháng 1 làm đảo lộn nhận định của chúng tôi”, báo cáo của BSC Research có đoạn. Thị trường sụt giảm trên diện rộng, mặt bằng cổ phiếu giảm về mức thấp sẽ thu hút NĐT sớm trở lại.
Các đợt dịch bệnh trong quá khứ đều tác động đến kinh tế các nước tâm dịch tuy nhiên yếu tố tâm lý và cách hành xử với dịch bệnh mới là yếu tố quyết định mức độ thiệt hại. Dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tiêu cực lên các TTCK trong ngắn hạn. Mức độ thiệt hại tập trung vào 3 tháng đầu trong thời gian dịch bệnh xảy ra và hồi phục đáng kể sau đó, BSC Research cho biết.
Theo thống kê của BSC Research về 13 đợt dịch bệnh kể từ 1980 đến nay, chỉ số MSCI World Index phục hồi mạnh trung bình 0.4% sau 1 tháng, 3.08% sau 3 tháng và 8.5% sau 6 tháng. Do vậy, dịch bệnh là rủi ro với TTCK ngắn hạn nhưng cũng là cơ hội trong trung dài hạn.
BSC Research nhận định các ngành bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch virus corona gồm hàng không, dầu khí và một số ngành xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc trong khi y tế, hàng hóa thiết yếu, năng lượng và viễn thông có thể được hưởng lợi. Các tổ chức tài chính cũng dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận thị trường ở mức 10% - 15% năm 2020. Do vậy, đây có thể là thời điểm cân nhắc phân bổ mua dần vào cổ phiếu cơ bản đang bị bán quá cho mục tiêu đầu tư trong vài tháng tới.
Các yếu tố ảnh hưởng đến TTCK trong tháng 02/2020 Nguồn: BSC Research |
Nói về kinh tế vĩ mô tháng 02/2020 của Việt Nam, BSC Research liệt kê một số những sự kiện quốc tế có thể có ảnh hưởng lớn, như: (1) cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed; (2) cuộc họp chính sách của ECB; (3) Dịch 2019-nCoV; (4) OPEC; (5) Brexit. Đối với tình hình trong nước, những vấn đề tiêu điểm trong tháng 2 này bao gồm: (1) áp dụng quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; (2) giá nhân công xây dựng cao nhất 280,000 đồng/ngày; (3) sửa quy định về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Thừa Vân